Khi Bá Quyền Nổi Giận

‘Nếu xem Trung Quốc là kẻ thù, Trung Quốc sẽ là kẻ thù’

Trong Bản Tin đưa ngày 18 tháng 11, trên các báo The Sydney Morning Herald, The Age Nine News cho biểt Bắc Kinh đã phát động một cuộc tấn công mạnh mẽ bất ngờ nhắm vào chính phủ Úc, với cáo buộc “đã đầu độc quan hệ song phương” trong một tài liệu cố tình bị lộ, có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Image: Twitter

Theo nội dung của tài liệu, Trung Cộng còn đi xa hơn bất kỳ tuyên bố công khai nào trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cáo buộc chính phủ Morrison đang cho ” bắn ngư lôi” vào thỏa thuận Vành đai và Con đường của tiểu bang Victoria, và đổ lỗi cho Canberra về các bản tường trình ” không thân thiện hoặc chống đối” Trung Quốc qua các phương tiện truyền thông độc lập của Úc.

“Trung Quốc đang tức giận. Nếu bạn coi Trung Quốc là kẻ thù, Trung Quốc sẽ là kẻ thù”, một quan chức Trung Cộng cho biết như thế trong một cuộc họp báo với phóng viên tại Canberra hôm thứ Ba, 17 tháng 11.

Một hồ sơ về 14 điểm tranh chấp đã được đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra giao cho hãng thông tấn Nine News, The Sydney Morning Herald và The Age trong một tấn kịch ngoại giao với dụng ý nhằm gây áp lực buộc chính phủ Morrison phải đảo ngược quan điểm của Úc về các chính sách quan trọng.

Đứng đầu danh sách là các quyết định cấm Huawei triển khai mạng 5G; ban hành luật can thiệp của nước ngoài và kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19; tài trợ cho Viện Chính Sách Chiến lược Úc trong việc nghiên cứu “Chống lại Trung Quốc” ; các cuộc tra lùng các nhà báo Trung Quốc và hủy visa học thuật”; mở đầu một cuộc thập tự chinh” tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề của Trung Quốc ở Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương; chặn 10 thương vụ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăn nuôi…

Danh sách bao gồm các điểm sau đây:

• Cấm Huawei triển khai mạng 5G vì các quan ngại ” không căn cứ” đối với an ninh quốc gia

• Ban hành Luật về sự can thiệp của nước ngoài, “được xem là nhắm vào Trung Quốc mà không có bằng chứng”

• Kêu gọi điều tra về nguồn gốc của coronavirus – “sát cánh với chiến dịch chống Trung Cộng của Hoa Kỳ”

• Lên tiếng về vấn đề Biển Đông

• Lên tiếng về các cáo buộc nhân quyền ở Tân Cương, cáo buộc chính phủ Trung Cộng “rêu rao những điều dối trá”

• Các cáo buộc “được che đậy yếu đuối” nhằm chống lại Trung Cộng về các cuộc tấn công mạng mà Bắc Kinh cho rằng thiếu bằng chứng

• Và các Luật lệ mới về quan hệ đối ngoại trao cho chính phủ liên bang quyền phủ quyết các thỏa thuận của chính quyền địa phương hoặc tiểu bang với chính phủ nước ngoài

Tài liệu cũng tuyên bố Úc là quốc gia đầu tiên không có sự hiện diện hàng hải ở Biển Đông lên án hành động của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Úc đã đi theo quan điểm của Hoa Kỳ trong việc coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp là “bất hợp pháp”.

Văn kiện này cũng cáo buộc các dân biểu “về việc lên án mạnh mẽ đảng cầm quyền Trung Cộng và các cuộc tấn công vào sự phân biệt chủng tộc chống lại người Trung Quốc hoặc người châu Á” sau khi Thượng nghị sĩ của Đảng Tự do Eric Abetz yêu cầu các người Úc gốc Hoa ra làm nhân chứng tại cuộc điều tra của Quốc hội lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hồ sơ này được chuyển giao ngay trước khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đổ lỗi cho Úc về tình trạng tồi tệ của mối quan hệ hai nước trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Zhao Lijian đã đưa ra một danh sách các cáo buộc tương tự nhưng ngắn hơn nhằm vào nước Úc, cáo buộc chính phủ Morrison đã “vi phạm trắng trợn … về vấn đề quan hệ quốc tế”, bằng cách lên tiếng về những gì chính phủ Úc coi là rủi ro đối với “các quy trình dân chủ ”ở Hồng Kông và các cáo buộc chà đạp nhân quyền ở Tân Cương.

Họ Zhao nói rằng nước Úc đã “vu khống và cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động can thiệp và xâm nhập vào nước Úc”, đồng thời tham gia vào việc “vận dụng chính trị” đối với cuộc điều tra độc lập về coronavirus.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng cũng cáo buộc chính phủ Úc là nguyên nhân đưa đến tình trạng tệ hại hiện nay về mối quan hệ hai nước, và cho rằng Úc phải chịu trách nhiệm về những vấn đề rắc rối sâu đậm này, “hoàn toàn không được lừa dối Trung Quốc” và kêu gọi nước Úc “cần thực hiện nhiều điều tích cực để cải thiện sự tin cậy lẫn nhau” .

Mối đe dọa có chủ đích nhắm vào lập trường về chính sách đối ngoại của Úc, quan chức Trung Cộng cho biết nếu Úc từ bỏ các chính sách được liệt kê trong danh sách, điều đó “sẽ có lợi đưa đến một bầu không khí tốt hơn”.

Ông nói: “Phía Úc nên suy nghĩ về điều này một cách nghiêm túc, thay vì trốn tránh và đổ vấy trách nhiệm. Hy vọng nước Úc sẽ thú nhận lý do thực sự dẫn đến sự thoái hoá trong quan hệ song phương”.

Hãng Thông Tấn Nine News đã được thông báo rằng Bắc Kinh xem mối quan hệ song phương đang ở “mức độ rất thấp”, vì “tình trạng xấu”, và rằng Trung Quốc sẽ không thực hiện các cuộc nói chuyện ở cấp bộ trưởng, bởi nó sẽ hoàn toàn “vô nghĩa … vì tình trạng” quan hệ tồi tệ “. Điều này hàm ý các cuộc đối thoại chỉ được tái tục nếu nước Úc có những bước nhượng bộ về những điểm liệt kê trong danh sách, vì điều đó sẽ đem đến sự cải thiện mối quan hệ hiện nay.

Ngoài ra còn có những cảnh báo kín đáo về tương lai của các Viện Khổng Tử tại các trường đại học nếu dự luật quan hệ đối ngoại do chính phủ Úc đề xuất được quốc hội thông qua.

Sau khi Úc lên tiếng về việc các nhà lập pháp đối lập ở Hong Kong bị truất quyền, và cảnh báo rằng  điều này “làm suy yếu nghiêm trọng các quy trình dân chủ của Hong Kong”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Wang Wengbin cảnh cáo, “nếu họ khăng khăng đi theo con đường sai lầm thì Trung Quốc sẽ có những phản ứng cần thiết mạnh và hợp pháp. “

Không có một Chính phủ nào của nước Úc có thể đáp ứng thoả mãn tất cả các yêu sách trên mà không nhượng bộ chủ quyền của mình.

Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings nói với 9News. “Trong nhiều năm, Trung Cộng đã áp dụng một chiến lược đối với nước Úc: Hãy im lặng mà ăn tiền”.

“Họ không muốn nước Úc bày tỏ quan điểm về những điều mà chúng ta cho là quan trọng đối với nền an ninh của khu vực.

“Không người Úc nào có thể sống với điều đó, không một nền dân chủ nào có thể sống chung với những yêu sách đó.

“Chúng ta ngày càng trở nên bất đồng với Trung Cộng. Có lẽ trong nhiều năm tới, tôi e rằng người Úc rồi sẽ phải làm quen với thực trạng của mối quan hệ giữa chúng ta và Trung Cộng sẽ tiếp tục diến tiến như thế .”

Chính phủ Morrison đã bác bỏ các điểm của Bắc Kinh và kêu gọi chính phủ Trung Cộng trả lời các cuộc điện thoại của họ.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Simon Birmingham cho biết: “ Quả banh đang ở trong sân chơi của Trung Cộng nếu họ có thiện chí chịu ngồi xuống để có một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh ”.

Nhưng một quan chức của chính phủ Trung Cộng , không tiết lộ danh tính vì không được phép phát biểu công khai, nói rằng “tại sao Trung Quốc phải quan tâm đến Úc?” và rằng các cuộc điện thoại sẽ “vô nghĩa” trong khi “bầu không khí tệ hại hiện nay” .

Danh sách bị cố tình rò rỉ và bình luận của ông Zhao báo hiệu một sự thay đổi chiến thuật đáng kể từ Bắc Kinh. Chính phủ Úc đã không lùi bước trước những lời chỉ trích, bất chấp Trung Quốc đã leo thang các chiến dịch tuyên truyền và các chỉ thị đối với các thương gia có quan hệ với nhà nước để ngừng nhập khẩu các sản phẩm của Úc. Cho đến nay, Trung Quốc đã áp đặt các rào cản thương mại đối với hàng chục sản phẩm bao gồm rượu vang, thịt bò, lúa mạch, gỗ, tôm hùm và than đá hiện đang đe dọa hàng xuất khẩu trị giá 20 tỷ USD của Úc.

Trung Cộng chiếm 40% số lượng xuất khẩu của Úc và 1 trong số 13 công ăn việc làm của Úc, khiến các nhà kinh doanh và giới chức ngoại giao thêm lo lắng khi phải cân nhắc về các mục tiêu cạnh tranh với nhau: cân bằng mục tiêu an ninh quốc gia của nước Úc, duy trì biện pháp răn đe quân sự đối với sự xâm lược của Trung Cộng trong vùng thông qua Bản Thỏa thuận mới ký kết về quốc phòng với Nhật Bản, và việc tiếp tục mở rộng đường giây kinh tế với Trung Cộng.

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Trung Cộng không nên bị cảm thấy bị đe dọa bởi việc ký kết hiệp ước quốc phòng quan trọng giữa Úc và Nhật Bản, mở đường cho hai quốc gia tiến hành nhiều cuộc tập trận chung trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Morrison nói: “Đây là một bước tiến quan trọng của mối quan hệ này, nhưng không có lý do gì để việc này tạo ra mối lo ngại cho bất cứ ai trong khu vực. “Tôi nghĩ rằng nó làm tăng thêm sự ổn định của khu vực, đó là một điều tốt.”

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Philip Lowe hôm thứ Tư đã thúc đẩy Úc nên duy trì mối quan hệ bền chặt với Trung Cộng .

Trong những lời bình luận trực tiếp về việc tranh chấp ngoại giao có trị giá hàng tỷ đô la cho đến nay, Tiến sĩ Lowe nói rằng đó là lợi ích của nền kinh tế để mối quan hệ giữa Úc và nước đối tác thương mại lớn nhất của mình trở lại đúng hướng.

Ông nói: “Trung Cộng đã hưởng lợi từ việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của chúng ta và chúng ta cũng được hưởng lợi từ việc nhập khẩu sản phẩm của họ. Chúng ta cần duy trì mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc. Điều đó có lợi cho cả hai chúng ta.”

Tổng Giám đốc điều hành của BHP, Mike Henry, nói với Diễn đàn Chiến lược của Úc hôm thứ Tư rằng Úc là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ông nói: “Các quốc gia khác có thể mong ước rằng họ sẽ thành công trong việc tự cung ứng nhu cầu sản phẩm của họ và giữ được sự tự chủ. Điều đơn giản là nước Úc không được xây dựng để thành công theo mô hình này”.

“Mặc dù rốt cuộc chúng ta trông cậy vào thiện chí của các quốc gia đối tác, nhưng chúng ta phải đoan chắc rằng chúng ta đang cố gắng làm tất cả trong khả năng của mình để đảm bảo cho sự thịnh vượng liên tục của nước Úc qua thương mại và hợp tác cùng có lợi cho nhau.”

Đã có một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang cố gắng tách các vấn đề kinh tế ra khỏi các lĩnh vực an ninh và quân sự, Bộ trưởng Ngân Khố Josh Frydenberg hôm thứ Tư cho biết nước Úc sẵn sàng tham dự việc đối thoại trên căn bản ” tương kính và có lợi” với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng có nói thêm rằng như một phần của bất kỳ cuộc đối thoại nào, lợi ích quốc gia của Úc sẽ là “không thể đem ra để thương lượng”.

Danh sách 14 điểm được xác định trong tài liệu của Đại sứ quán Trung Cộng được Bộ Ngoại giao Úc coi là các điểm chính yếu cho lợi ích quốc gia và không thể đem ra thương lượng, khiến hai nước đối mặt với viễn cảnh tranh chấp kinh tế và ngoại giao kéo dài.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết chính phủ làm “các quyết định đúng đắn vì lợi ích quốc gia và phù hợp với các giá trị và quy trình dân chủ cởi mở của chúng tôi.”

“Chúng ta là một xã hội dân chủ tự do với một phương tiện truyền thông tự do và một nền dân chủ nghị viện, nơi các đại biểu đều do dân cử và giới truyền thông được quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình”, Bộ cho biết trong một tuyên bố.

“Chính phủ Úc luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp một cách xây dựng về mối quan hệ của Úc với Trung Quốc, bao gồm cả về sự khác biệt của chúng ta, và thực hiện các điều này một cách trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta.

“Các cuộc đối thoại trực tiếp như vậy sẽ giúp tránh sự trình bày sai lệch mọi lập trường của Úc để được giải quyết một cách xây dựng, giúp tạo mối quan hệ cùng có lợi cho đôi bên”

Lương Định Văn

(Theo Sydney Morning Herald, The Age, Nine News)

Leave a comment