Mặc Cảm Dân Tộc và Giấc Mơ Trung Cộng

Michael Schuman, “How Xi Jinping blew it “, The Atlantic

Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Công luận của thế giới đối với Trung Cộng ngày càng trở nên lãnh đạm và sự kiện Joe Biden sắp trở thành tổng thống Hoa Kỳ, sẽ có rất ít triển vọng để Bắc Kinh sửa đổi các sai lầm của họ.

Cũng như trường hợp Thủ Tướng Anh Neville Chamberlain đã sai lầm chịu nhượng bộ Adolf Hitler hay George W. Bush xâm lược Iraq, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình vừa vấp phải một thất bại ngoạn mục về chính sách đối ngoại – nhưng hình như ông ta chưa nhận thức được điều đó.

Image: Imperial & Global Forum

Qua nhiệm kỳ bốn năm của Tổng Thống Donald Trump, họ Tập đã có cơ hội nghìn năm một thuở để mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng trên toàn thế giới vì những sai lầm của Trump. Qua những hành vi gây ác cảm đối với bạn bè cũng như kẻ thù, rút lui ra ​​khỏi các Định Chế và Thỏa Ước toàn cầu, đồng thời thất bại trong việc giải quyết đại dịch coronavirus, Trump đã tạo ra khoảng trống chính trị trên trường quốc tế và đưa đến tình trạng chín mùi cho một nhân vật lãnh đạo mới chiếm lĩnh vị thế của Washington. Nhiều người đã tin rằng đây chính là thời điểm của Trung Cộng. “Buồn thay! Washington D.C. đã đánh mất nghệ thuật ngoại giao của họ ,” một nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore, Kishore Mahbubani đã viết như thế vào đầu năm nay. “Điều này đã tạo ra một cơ hội lớn lao mà Trung Quốc đã tận dụng để chiến thắng trên trường thế giới trong thời kỳ hậu COVID-19.”

Nhưng họ Tập đã để mất đi cơ hội đó. Một cuộc khảo sát toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew gần đây cho thấy thái độ của một số quốc gia đối với Trung Cộng đã trở nên hết sức lãnh đạm, giảm xuống mức độ thấp nhất từ xưa đến nay tại một số quốc gia như Canada, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Ngay cả đến cá nhân họ Tập cũng không khá hơn. Mặc dù trên thế giới, hình ảnh của họ Tập vẫn còn tốt hơn đôi chút so với Trump, trung bình 78% của số người được hỏi thì quan điểm chung cho biết họ rất ít hoặc không tin tưởng rằng họ Tập sẽ hành xử đúng đắn trong các vấn đề toàn cầu, so với còn số 61% được ghi nhận vào năm 2019. Gần như tất cả 14 quốc gia trong bản tường trình, quan điểm tiêu cực về họ Tập đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Với việc Joe Biden sắp trở thành Tổng Thống của Hoa Kỳ, họ Tập có thể đã đánh mất cơ hội để sửa đổi các sai lầm của mình và cũng vì thế vai trò của Trung Cộng trên thế giới có thể sẽ trở nên tồi tệ.

Tình trạng thảm hại này càng chứng tỏ hệ thống chính trị hiện nay của Trung Cộng hoàn toàn không phù hợp với vai trò của một siêu cường toàn cầu. Hiển nhiên, Bắc Kinh chắc chắn trở nên hùng mạnh hơn so với hồi tháng 1/2017, lúc đó Trump mới bước vào Phòng Bầu dục, nhưng điều vẫn chưa xác định được rõ ràng là Trung Cộng đáng lẽ còn có thể trở nên hùng mạnh hơn tới mức độ nào nữa. Quyền lực không chỉ đơn giản là sức mạnh quân sự, khả năng tín dụng về tài chính hoặc quy mô của nền kinh tế — nó còn bao gồm những phương thức ảnh hưởng có tính thuyết phục, và các quốc gia chấp nhận mô hình gương mẫu của kẻ lãnh đạo không phải vì họ bị ép buộc mà vì họ tự nguyện muốn đi theo. Trụ cột của nền hòa bình thế giới dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ là truyền thống của những lý tưởng mà nó đã từng cổ vũ bao gồm quyền tự do ngôn luận và thương mại, đã thu hút hầu hết các xã hội ở khắp nơi.

Họ Tập không phải là không nhận thức được tầm quan trọng của quyền lực “mềm” khi nói đến ảnh hưởng toàn cầu. Ông đã kêu gọi người Trung Quốc cổ động các truyền thống và giá trị của mình trên khắp thế giới trong việc xây dựng vị thế quốc tế của họ. Về mặt lịch sử, các quan hệ mật thiết về văn hóa là yếu tố quan trọng để duy trì sự thống trị của Trung Quốc ở Đông Á. Tuy nhiên, Trung Cộng gần đây hầu như đã quay trở lại thói quen cưỡng ép thay vì khuyến dụ, áp đặt các điều khoản của mình ở hải ngoại, và để lại vị cay đắng cho những kẻ bị ép buộc phải đồng ý với những yêu cầu của Bắc Kinh.

Vấn đề của giới lãnh đạo Trung Cộng là do sự ám ảnh thái quá với các mối quan tâm trong nước và cảm thấy bất an về vị thế của họ ở trong và ngoài nước, đã không cho phép các nhà ngoại giao của họ thực hiện nhiệm vụ với sự khéo léo và linh hoạt nhằm khai thác các cơ hội. Điều này có nghĩa là Trung Cộng sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới trong bảy thập niên vừa qua.

Tất nhiên, Trung Cộng đã có những nỗ lực trong lĩnh vực kinh tế. Trung Cộng hiện là trung tâm của một khối thương mại  Á Châu quan trọng với việc hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP), nhằm lấp đầy khoảng trống khi Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp ước lẽ ra sẽ củng cố sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở châu Á.

Các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã cố gắng tận dụng cơn đại dịch coronavirus để quảng bá mình là một công dân toàn cầu có trách nhiệm hơn. Bộ máy tuyên truyền của nhà nước không ngừng chế giễu Trump vì phản ứng tai hại của ông ta trước sự bùng phát của cơn đại dịch và ca tụng sự thành công của Bắc Kinh trong việc chống Covid-19 như bằng chứng cho thấy hệ thống quản trị của họ là một mô hình ưu việt cho thế giới. Trong khi Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), họ Tập đã tham gia chương trình cung cấp thuốc chủng ngừa cho các quốc gia nghèo.

Nói một cách tổng quát, nỗ lực tuyên truyền này đã thất bại. Trong cuộc khảo sát của Pew, trung bình 61% người được hỏi đã cho rằng Trung Cộng đã xử lý đại dịch Covid-19 một cách tồi tệ. Nhưng quan trọng hơn, bất cứ điều gì tốt mà Bắc Kinh đã thực hiện đều bị đảo ngược bởi thái độ hiếu chiến của họ trong các tranh chấp về mặt ngoại giao.

Sau một cuộc ẩu đả gây tai tiếng vào tháng 6 dọc theo biên giới tranh chấp giữa Trung Cộng – Ấn Độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, New Delhi đã trả đũa bằng cách cấm WeChat, TikTok và các dịch vụ kỹ thuật khác của Trung Cộng, trong khi dân chúng Ấn Độ tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Cộng và tẩy chay các sản phẩm của họ. Vương quốc Anh đã tỏ ra phẫn nộ về một đạo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào mùa hè này nhằm ngăn chặn phong trào dân chủ của thành phố này. Chính phủ của Boris Johnson cho rằng luật này vi phạm hiệp ước mà hai nước đã ký kết quy định việc bàn giao thuộc địa cũ của Anh cho chính quyền Trung Cộng.

Và trong các vụ bất đồng với Canada và Úc, chính quyền Trung Cộng đã ngăn chặn nhập khẩu và bắt công dân của họ ở Trung Quốc làm con tin. Michael Kovrig, một cựu quan chức ngoại giao Canada, đã bị nhốt ở Trung Quốc hơn 700 ngày để trả đũa việc Ottawa bắt giữ giám đốc điều hành Huawei theo yêu cầu của Washington về cáo buộc gian lận. Trung Cộng thậm chí còn làm tức giận các quốc gia có thiện cảm ở châu Phi, khi người châu Phi sinh sống ở Trung Quốc phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng trong đợt bùng phát coronavirus.

Thông thường, các nhà ngoại giao và phương tiện truyền thông của Trung Cộng có thói quen lăng mạ và đe dọa những người chỉ trích họ. Vào tháng 8, khi một chính trị gia nước Tiệp dẫn đầu phái đoàn tới Đài Loan, nơi Bắc Kinh vẫn thường coi là một tỉnh ly khai của họ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị đã cảnh cáo rằng ” ông ta phải trả giá đắt cho hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị của mình”, lời đe dọa này đã gây phản ứng với những chỉ trích mạnh mẽ từ chính phủ Tiệp, và thậm chí với sự phản đối từ Đức Quốc, một nước thường có thái độ ôn hòa. Hua Chunying, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, đã từng tweet rằng chiến dịch của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc “là chuyện vô ích như con kiến ​​cố sức lay động một cái cây”. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo do Đảng Cộng sản điều hành, cảnh báo rằng nước Úc “có nguy cơ trở thành ‘một đám da trắng rác rưởi nghèo nàn của châu Á’ “, bằng cách cắt giảm các quan hệ kinh tế với nước này, trong khi biên tập viên của tờ báo này gọi nước Úc là “kẹo cao su dính trên đế giày của Trung Cộng. ” (Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi quan điểm ​​của người Úc về Trung Cộng đã hoàn toàn tiêu cực. Trong cuộc khảo sát của Pew, 81% đã có quan điểm không thuận lợi về Trung Cộng , tăng từ còn số 57% của năm trước.)

Điều có vẻ hơi khó hiểu là khi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, vốn rất mong muốn được quốc tế tôn trọng và mời đón, lại theo đuổi một chính sách đối ngoại rõ ràng là không thân thiện và thiếu tính thuyết phục với mọi người — và điều khó hiểu hơn nữa là họ vẫn kiên trì theo đuổi chính sách đó mặc dù có nhiều sai lầm.

Chỉ có một cách duy nhất để hiểu được hành vi này là nhìn qua lăng kính của Trung Cộng . Chính sách đối ngoại hiếu chiến của Bắc Kinh là hậu quả của sự bất an và thiếu tự tin của chính phủ. Một mặt, về đối nội Đảng Cộng sản luôn ý thức được vị thế của họ ở trong nước. Bộ máy tuyên truyền của chính quyền tạo dựng nên câu chuyện về Trung Quốc, như một nạn nhân về sự cướp bóc của ngoại bang, đã đến lúc, một lần nữa, vươn lên trên trường thế giới (dưới sự hướng dẫn vững chắc của đảng). Điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải có lập trường cứng rắn trong các tranh chấp đối ngoại — bất cứ phản ứng nào kém hơn đều có thể bị coi là yếu đuối không thể chấp nhận được. Mặt khác, ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Cộng đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh tin rằng họ có sức mạnh để áp đặt ý chí của mình trên các quốc gia khác.

“Cuối cùng, người Trung Quốc quan tâm trước nhất và trên hết là sự ổn định và tính hợp pháp ở trong nước, và họ dường như đủ tự tin về năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc và khả năng ảnh hưởng đến chính sách của các quốc gia khác, một phần qua việc áp đặt sự sợ hãi vì bị trả thù”, Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Năng lượng Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã giải thích “Họ tin tưởng rằng với thời gian… các nước sẽ thích ứng với Trung Quốc và bày tỏ sự tôn trọng đối với Trung Quốc.”

Tuy nhiên, cho đến nay, chính sách của Trung Quốc đã đạt được hậu quả hoàn toàn tương phản: không chỉ khiến các chính phủ nước ngoài xa lánh mà có thể còn thúc đẩy họ xích lại gần nhau. Ví dụ, một quan hệ đối tác lỏng lẻo được gọi là “Bộ tứ”, bao gồm bốn quốc gia tỏ sự bất bình và lo ngại về Trung Cộng – Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ – có thể sẽ liên kết thành một khối chính thức chống lại Trung Cộng ở châu Á. Ngoại trưởng của bốn quốc gia đã gặp nhau tại Tokyo vào đầu tháng 10 và Trung Quốc là chủ đề của cuộc thảo luận, đặc biệt là khi có sự tham gia nhiệt tình của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong phòng họp. Những liên minh vừa chớm nở như vậy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Bắc Kinh. “Trung Quốc vẫn tin rằng trong hầu hết các trường hợp, họ có thể gây chia rẽ và chinh phục,” Glaser nói thêm, “nhưng hiện nay họ lo ngại về khả năng các nước sẽ xích lại gần nhau để chống lại Trung Quốc.”

Tuy nhiên, những vấn đề này không mảy may làm cho Bắc Kinh phải quan tâm. Có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đánh giá lại chính sách đối ngoại của mình. Để kỷ niệm 70 năm ngày Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên vào cuối tháng 10, ông Tập đã chọn đưa ra một bài phát biểu nẩy lửa, nặng tinh thần dân tộc. Ông nói: “Cách đây 70 năm, những kẻ xâm lược đế quốc đã đem ngọn lửa chiến tranh bùng cháy đến ngưỡng cửa của một nước Trung Quốc mới. “Người Trung Quốc đã hiểu sâu xa rằng để đối phó với quân xâm lược, chúng ta cần phải nói với họ bằng thứ ngôn ngữ mà họ hiểu.”

Ngay cả khi họ Tập muốn thay đổi đường lối, có thể đã quá muộn. Một Tổng Thống nổi tiếng và được ưa chuộng ở Biden rất có thể sẽ hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu và châu Á, và thậm chí còn tệ hại hơn theo quan điểm của Bắc Kinh, ông đã cam kết xây dựng một liên minh quốc tế để đối đầu với Trung Cộng. Biden cũng có ý định trở lại hợp tác với thế giới nhằm đóng lại khoảng trống mà Trung Cộng muốn xen vào, và hứa sẽ gia nhập lại WHO và hiệp định khí hậu Paris. “Trong cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo ở hải ngoại, tôi nói với họ: Nước Mỹ sẽ trở lại,” Biden đã tweet sau cuộc bầu cử của mình. “Chúng tôi sẽ trở lại cuộc chơi.”

Và một họ Tập không được ưa thích cùng với một bầy ngoại giao đoàn hung hăng của ông ta đã làm cho thế giới mở rộng để chào đón sự trở lại của nước Mỹ.

Michael Schuman, Nhà báo làm việc ở Châu Á từ năm 1996, tốt nghiệp Thạc sĩ về các vấn đề quốc tế tại Đại học Columbia và bằng Cử nhân Văn học của Đại học Pennsylvania. Hiện cộng tác với The Atlantic, Bloomberg Opinion và các tạp chí khác, từng viết bài cho TIME, Wall Street Journal và một số tạp chí. Tác giả của cuốn sách “ Superpower Interrupted: The Chinese History of the World” và “The Miracle: The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth.”

Những mảnh đời lưu lạc

Năm 1993. Giữa lúc thế sự nước Nga thay đổi, ở Saint Petersburg ngày nào cũng nghe tin trộm cắp, hãm hiếp, giết người cướp của. Vậy mà Jopy coi như pha, hết giờ làm việc anh lập tức thay quần áo, bỏ bữa ăn chiều, khoát áo lạnh đi lên phố. Suốt đêm theo gái, sáng sớm mới lót tót xuống tàu.

Jopy là thủy thủ người In-đô, đã hơn bốn mươi tuổi rồi mà anh vẫn không vợ con, không nhà cửa, dường như cuộc sống của anh chỉ biết có ăn nhậu và chơi đĩ. Mấy hôm trước lên hội quán giành gái sao hổng biết, anh lấy vỏ chai vodka đập lên đầu một thủy thủ Ba-lan phun máu. Người anh nhỏ thó và ốm nhom như con khô hố. Gặp phải mấy tay Ba-lan to như Kinh-công, hè nhau đập anh một trận rồi khiêng anh liệng xuống kinh, trong lúc dưới dòng băng còn tráng mỏng trên mặt nước. May nhờ nhân viên hội quán kịp thời thả dây xuống kéo anh lên, lấy quần áo khô cho anh mặc. Chờ anh tỉnh táo tôi mới gọi tắc xi đưa anh về. Bị một trận đòn nhừ tử vậy mà anh vẫn tỉnh bơ, hỏi tôi:

– Mầy thấy thế nào?

Tôi nói:

– Trong lúc người ta cởi áo quần anh ra thay,  tui thấy con cu anh teo lại còn một thẻo da nhỏ xíu.

 Hồi hôm thức thâu đêm hành lạc hay sao mà sáng xuống tàu người anh phờ phạc, uể oải, tóc tai rối bù, mắt đỏ ngầu. Bước vô tàu chưa kịp cởi áo khoác anh vội đi thẳng qua phòng bếp. Trong lúc tôi đương xắt thịt dâm bông, anh hỏi xin một tách cà phê. Tôi ngừng tay day qua rót cà phê cho anh. Một tay anh đón lấy tách cà phê, một tay anh móc túi quần lấy ra miếng giấy chìa cho tôi, miệng cười chúm chím ra chiều đắc ý lắm.

– Mầy đọc đi.

Tôi mở mảnh giấy ra xem, một địa chỉ viết bằng chữ Nga tên người là Le Thi Trinh. Tôi đoán chừng nếu người viết đổi tên họ cho giống Tây thì đọc là Trịnh thị Lệ hoặc nhà quê một chút là Lê bằng không cũng có thể là Lê Thị Trinh. Tôi trả miếng giấy lại cho anh:

– Một đàn bà Việt Nam.

Tôi day ngang xắt thịt tiếp. Thấy tôi thản nhiên trước sự khám phá mà anh cho là độc đáo và có lẻ anh nghĩ tôi bị chạm tự ái dân tộc. Anh liền đổi thái độ, cười giả lả:

– Chắc cô ta là người Bắc Hàn.

Tôi xắt xong miếng thịt, sắp vô dĩa rồi ngước lên, hất hàm và cười một cái:

– Ê, bộ đàn bà Việt Nam hổng biết làm đĩ sao. Nhưng anh gặp ả nầy ở đâu?

– Ở trên phố.

Trước khi dợm bước anh còn nói một câu:

– Người Việt ở Saint Petersburg đông lắm.

 Khỏi đợi Jopy nói tôi cũng biết, mấy năm nay nhà nước Việt Nam đưa hàng trăm ngàn công nhân sang nước ngoài lao động, nhiều nhứt là ở Nga và khối Ðông Âu và qua Á-Rập tôi cũng gặp người Việt lao động bên đó.

 Mấy ngày sau, chiều nào Jopy cũng nài nỉ tôi đi theo anh để gặp mặt cô gái đồng hương nào đó. Trên bước đường luân lạc tôi đã nhiều lần chạm mặt với những cô gái Việt làm tiền ở nhiều quốc gia khác nhau chớ không riêng gì trên nước Nga nầy. Gặp nhau như gặp người tình trong hoàn cảnh éo le, lấm la lấm lét, ngượng nghịu nói vài câu rồi cô ta viện cớ nầy cớ nọ vong mất. Ước lượng cuộc gặp gở không mấy bình thường, tôi dứt khoát không đi theo Jopy và cũng không muốn anh nhắc tới chuyện cô Le Thi Trinh nào đó trước mặt tôi nữa. 

Cuối tháng ba, những mảnh băng bể trôi tản mạn trên dòng sông Neva.  Dọc trên lộ tuyết tan thành nước pha bùn đọng vũng theo những ổ gà. Chiếc xe bus chạy rù rù trên đường đá lổm chổm, thỉnh thoảng xụp ổ gà kêu cái rầm, bánh xe dẫm bùn văng tứ tung và thân xe rung rinh nhún lên nhún xuống kêu ken két.

 Mau thật, mới đó mà tôi đã đi lại nơi đây hơn bốn tháng trời. Bây giờ tôi đã biết dùng xe công cộng, mấy anh tắc xi không còn cơ hội chặt tôi với giá trên trời dưới biển nữa. Hôm mới tới tôi đổi một trăm Mỹ-kim ra một ngàn rúp, tiền rúp tôi dành mua vé xe hoặc mua bia hơi rót bán trong trong những chiếc keo theo mấy sạp bên lề đường. Những món hàng rong ở đây rẻ như bèo, vì vậy hơn bốn tháng qua tôi xài chưa hết một ngàn rúp.

 Xe dừng lại rước khách. Một người đàn ông cao ráo có bộ râu quai nón tỉa đều, gọn gàn trong bộ đồ Jean đã bạc màu, vai mang ba lô, tay ôm tây-ban-cầm bước lên. Trên xe còn nhiều ghế trống nhưng không ngồi, ông đứng ở khoảng giữa, một tay vịn thành ghế một tay chỏi lên cán đờn. Nhìn ông tôi nghĩ ngay tới một nghệ sĩ giang hồ rày đây mai đó. Có lẻ thấy tôi nhìn ông với vẻ thân thiện nên ông cười một cái và hỏi tôi bằng tiếng Anh:

– Du lịch?

Tôi nói bừa:

– Dà.

Bất chợt ông đưa tay khoa một vòng bên ngoài:

– Hồi trước không như vầy đâu.

Tôi ngó theo hướng tay ông ta, hai bên đường kẻ mua người bán tấp nập, nếu không có đống rác tổ bố nằm bên góc đường thì khu chợ trời cũng sạch sẽ khang trang như những chợ trời ở các quốc gia tân tiến khác. Tôi không biết ông muốn phê phán về những đống rác nằm bên đường hay cảnh bán buôn xô bồ xô bộn mà trước đây nhà nước xã hội chủ nghĩa không cho phép. Nhiều năm lăn lộn đó đây, cuộc sống đã dạy cho tôi nên tỏ lòng thân thiện với mọi người nhưng không nên đẩy đưa câu chuyện quá đà, nhứt là với những người chưa quen biết. Tôi đáp lời ông bằng nụ cười và những cái gật đầu. Xe dừng trước nhà hát trên đường Nevskiy Prospekt, tôi khoát tay từ giả ông nghệ sĩ và cùng vài hành khách bước xuống xe.

 Hôm nay trời đẹp lắm, đi dưới nắng vàng rực rở tôi mới hay mùa đông đã đi qua, trên cành cây lá non vừa nhú và những loài hoa nở sớm bắt đầu khoe sắc. Trên các ghế đá công viên, nhiều người ngồi đọc sách và những đôi trai gái dắt dìu nhau dạo cảnh. Trông ai cũng vui tươi, gần gũi với thiên nhiên, không còn lẫn trốn tiết trời như mấy tháng mùa đông.

Trong nhiều cửa tiệm lớn vắng người và ít hàng hoá, trái lại ngoài đường phố người bán buôn chen chúc trong đám khách bộ hành và bày biện hàng hoá chiếm gần hết lối đi. Có rất nhiều người Việt, đứng nhiều nơi trong những khu phố đông người rao bán các món hàng như quần áo, vải vóc, nón kết, túi xách và nhiều món linh tinh khác sản xuất tại Việt Nam. Tôi rất muốn hỏi chuyện với những người đồng hương, nhưng còn ngần ngại. Chợt nghe giọng Bắc kỳ thanh thanh rành rọt của người con gái ở phía sau:

– Sang, bên nầy nắng chói quá, mình qua bên kia đường đứng đi. 

Tôi ngoái lại thấy một người con trai vắt áo quần trên cánh tay đứng xề qua xề lại mời khách qua đường mua, người con gái lui cui thu dọn đồ đạc để trên tấm vải trải trên mặt lộ bỏ vô chiếc túi xách lớn. Cạnh bên một em bé ngồi bẹp dưới nền gạch mân mê những món đồ chơi, chợt em bé thảy trái banh lăn ra lộ. Tôi liền rượt theo lượm trái banh trả lại cho em bé. Thấy người lạ em khóc ré lên.

– Hương Giang nín!

– Cô gái nạt đứa bé xong, ngoái lại nhìn tôi và nói lời cám ơn bằng tiếng Nga. Tôi cười và nói lại bằng tiếng Việt:

– Tên của cháu nghe rất là thơ mộng.

Người con gái trố mắt nhìn tôi từ đầu tới chưn như nhìn con quái vật, một hồi sau cô ta hỏi tôi:

– Anh là người Việt?

– Cô nghĩ tui là người gì?

– Trông anh giống Nhật đấy. Anh sang đây du lịch à?

– Không, tui đi làm ăn.

Cô gái cúi xuống lẹ làng lượm những món đồ còn lại nhét hết vô giỏ rồi xốc bé Hương Giang lên nách, day qua tôi cô nói:

– Thế thì anh về nhà em chơi nhé.

Sự hấp tấp của cô làm tôi lúng túng:

– Cô, cô còn bán đồ mà, để khi khác cũng được.

– Không có chi, bán buôn thì tụi em bán suốt năm, lâu lâu gặp người mình một lần, nghỉ một buổi có sao đâu.

Nói xong cô day qua người con trai còn đứng ngoài đường kèo nài giá cả với một bà già. Cô gọi:

– Sang! Anh Sang đi về.

Không đợi anh kia đáp lời và cũng không hỏi coi tôi có chịu theo cô ta về nhà không. Cô day ngang nói với tôi như ra lịnh:

– Đi, mình đi anh.

Tay bồng đứa bé, tay xách giỏ đồ, cô đi te te một nước. Trước sự vồn vã của cô gái lạ làm tôi lính quýnh. Không biết làm sao tôi bèn chạy theo hỏi:

– Mà nè cô tên gì?

– Yến.

– Nhà cô xa đây hông?

Cô ta chỉ tay về phía con đường trước mặt:

– Phía sau đuờng kia kìa.Nghe nói người Việt ở Nga sống khá phức tạp, cộng thêm sự đường đột của cô gái làm tôi hơi lo. Tôi kiểm lại tiền bạc, trong túi còn năm chục Mỹ kim và số tiền rúp không đáng kể. Tay không đeo cà rá, đồng hồ lỡ gặp xui xẻo cũng chẳng hề gì, thôi đành nhắm mắt đưa chưn bước theo cô ả.

 Đi một đỗi tới một chung cư. Yến đẩy cửa bước vô, tôi cũng bức theo sau. Từ ngoài sáng bước vào chưa quen mắt nên tôi không thấy gì hết, tôi đẩy hé cánh cửa bên ngoài, ánh sáng lọt vô lờ mờ. Tôi thấy Yến đã tới cửa thang máy bấm nút đứng chờ, tôi vừa bước tới thì cửa thang vừa mở ra. Chúng tôi bước vào thang, bên trong cũng không có đèn, tối  thui. Mùi xú uế nực nồng của một người say rượu ói mữa và tiểu tiện ngay dưới sàng, làm dẫm lên trơn nhớt dưới gót dày, tôi rùng mình một cái và nghe cổ họng ơn ớn.

 Thang dừng lại tần thứ sáu. Yến dẫn tôi vô một căn phòng hẹp và mời tôi ngồi trên bộ sa lông đặt giữa phòng bằng vải đã thâm kim, bên cạnh chiếc bàn nhỏ để một cái nôi, xung quanh đồ chơi con nít vứt ngổn ngang, sự bề bộn làm cho căn phòng đã nhỏ lại thêm chật chội. Mới vô tôi tưởng đây là phòng khách. Nhưng không phải, một tấm ván vuông đóng ép vô tường, tới bửa ăn hạ tấm ván xuống làm mặt bàn ăn, tối kéo chiếc sa-lông ra thành chiếc giường ngủ cho hai vợ chồng và đứa con.

Tôi hỏi:

– Ăn ở như vầy cô không thấy chật chội lắm sao?

Yến nói:

– Không anh, chúng em ở như vầy là tốt hơn nhiều người đấy.

Sang khệ nệ ôm gói đồ từ ngoài bước vô, tôi nhìn qua Sang, chưa kịp chào thì Yến vội giới thiệu:

– Anh Sang, là anh nuôi của em.

Tôi tò mò hỏi:

– Còn ông xã cô đâu? 

– Đi làm chưa về.

– Ảnh mần gì?

– Anh ấy lái xe điện, cũng sắp về rồi đấy.

Yến đứng ôm bé Hương Giang. Sáng bước vô ngồi đối diện và gót trà mời tôi. Sau hồi nói chuyện tôi mới biết anh Sang qua Nga du học từ năm 1988, đã đậu bằng kỹ sư canh nông và ở lại làm việc cho một cơ quan nhà nước. Vừa qua tình hình chánh trị nước Nga thay đổi và làm cuộc sống anh cũng theo đó mà đổi thay. Anh nghỉ làm cho nhà nước, ra ngoài cạy cục xin được vài mẫu đất canh tác; nuôi gà, nuôi thỏ và cuốc đất trồng khoai tây. Những ngày rảnh rổi anh theo Yến bán chợ trời.

– Ở nước mình đất đai phì nhiêu, màu mỡ và thời tiết thuận lợi suốt năm. Còn bên nầy mần được mấy tháng mùa hè, còn lại gió lạnh và tuyết đóng băng. Anh muốn mần ruộng thì về bên mình mần dễ hơn bên nầy chớ.

 Có lẻ những lời bọc trực của tôi làm anh tự ái, nên mặt anh đanh lại và im lặng không nói thêm gì. Bất chợt tôi nhận thấy mình quá hồ đồ, dù sao tôi với anh mới gặp lần đầu, nói năng cũng phải giữ phép lịch sự, có đâu xối xả như tát nưóc vô mặt người ta. Tôi bèn lảng sang chuyện khác để che dấu sự ngượng ngùng. Chỉ tay qua những túi đồ, tôi hỏi:

– Hàng nầy sản xuất tại Việt Nam hả anh?

– Vâng.

– Bên nhà gởi qua cho anh hay lấy hàng của người khác?

Sáng chưa kịp trả lời thì Yến chen vào:

– Không anh, bọn em lấy trên Sứ đấy.

– Sứ?

Thấy tôi ngớ ngẩn, Yến giải thích:

– Sứ là sứ quán của Việt Nam đấy anh.

Từ trước tới nay tôi đã đi qua rất nhiều sứ quán. Tôi thấy trong toà sứ nước ngoài có nhân viên làm việc và một người đại diện cho quốc gia được gọi là ông đại xứ. Theo lời Yến, tôi có thể hình dung ra toà đại sứ Việt Nam ở Moscow lúc đó giống y như một cửa hàng buôn bán sỉ và lẻ mà ông đại sứ là chủ tiệm. Yến đưa bé Hương Giang cho Sang bồng, rồi cô lấy ấm nấu thêm nước. Tôi với Sang nói chuyện trời trăng mây gió một hồi thì Yến bước vô, đi theo Yến một gã đàn ông Nga cao lêu nghêu, tay ôm cặp táp. Yến chỉ tôi và nói gì đó bằng tiếng Nga, chợt nhiên cô day qua tôi, hỏi:

– Anh tên gì vậy?

Suốt cả buổi trò chuyện vậy mà cô không biết tên tôi là gì, nếu không hỏi tôi cũng quên tuốc luốc. Tôi nói:

– Tôi tên Tấn.

Tức thì cô ta day ngang tiếp tục giới thiệu. Sau đó gã đàn ông đi tới chìa tay ra bắt tay tôi.

Yến day qua tôi:

– Đây là Stax, chồng em.

Stax bước qua tủ lấy chai Vodka ra rót mời tôi và Sáng uống. Từ đó trở đi mỗi lần về Rotterdam trở qua tôi thường nghé thăm gia đình Yến và cho Hương Giang bánh kẹo. Lần lần chúng tôi trở nên thân thiết.

 Trong thời gian nầy ở Saint Petersburg còn nhiều chuyện phức tạp. Như ai muốn điện ra nước ngoài thì phải đặt và trả tiền trước hai ngày – theo quy định mỗi lần đặt được gọi tối đa là ba mươi phút – tới ngày hẹn trở lại ngồi ở phòng chờ đợi, đợi loa kêu tên và chỉ số phòng cho vô gọi, người nào trễ hẹn coi như mất tiền. Nhân viên bưu điện nói tiếng Nga, vì vậy mỗi lần muốn điện thoại về gia đình tôi phải nhờ Yến đặt dùm và luôn cả việc theo tôi làm thông dịch. Tôi rất ái ngáy trong lòng khi thấy vợ chồng ngồi chờ hàng giờ đồng hồ. Hỏi hai người có khó chịu không. Yến vui vẻ trả lời, chuyện chờ đợi ở nước Nga là chuyện thường thôi.

 Chuyến nầy bị mưa dầm, hàng hoá không lên được, tàu đậu chờ hơn hai tuần lễ rồi. Sợ người nhà nóng lòng muốn biết tin, nên hai hôm trước tôi nhờ Yến đặt điện thoại dùm. Nhân tiện cuối tuần nầy Stax được nghỉ, Yến giao cho Sang bán chợ trời, hai người mời tôi đi phố và thăm vài cảnh đẹp của Saint Petersburg.  Nhưng hôm ấy mưa nhiều quá, tôi đội mưa từ trạm xe bus vô tới nhà Yến thì đầu cổ ướt mem. Vừa bấm chuông Stax liền ra mở cửa. Như chờ sẵn, chưa kịp mời tôi ngồi anh đã giải thích chuyện gì mà nói bô lô ba la, tay chỉ trỏ tứ lung tung. Tôi chẳng hiểu gì hết, chỉ hơi ngạc nhiên vì không thấy Yến ở trong phòng, thay vào đó là một cô gái lạ ngồi chơi với Hương Giang. Thấy tôi lớ ngớ, cô ả bèn đứng dậy chào. Cô lấy khăn cho tôi lau nước, và mời tôi ngồi xuống. Stax lại mở tủ lấy ra một tờ giấy xếp làm tư đưa cho tôi. Tôi cầm lấy rồi mở ra, đó là thư của Yến.

“Anh Tấn,

Em có việc đột xuất phải đi Mockba, không gặp được anh em rất buồn và rất tiếc. Em đã đặt điện thoại cho anh vào lúc bảy giờ chiều, anh tới nghe điện thoại, có chị Xuân theo làm thông dịch và dẫn anh đi chơi. Thôi nhé em vội quá, mười một giờ rưỡi tối tàu chạy rồi, hẹn anh vào ngày Chúa Nhật. Chúc hai người đi chơi vui vẻ…em đi đây.

Yến!

 Tôi ngó qua người con gái, cô ta nở nụ cười tươi như sẵn sàng chờ nghe tôi nói. Tôi hỏi:

– Yến nhờ cô giúp tui hả cô Xuân?

– Vâng.

Tôi nhìn kỹ người con gái hơn, mặt xương, răng hô, thân hình ốm, ngực lép xẹp. Xuân vẫn giữ nụ cười tươi, nhưng tôi vẫn không tìm ra nét duyên dáng nào hết. Stax pha trà để lên bàn rồi bồng bé Hương Giang cho Xuân rảnh tay tiếp chuyện. Tôi nhìn ra ngoài cửa kiếng, vẫn còn mưa rầu mưa rỉ, biết đi đâu bây giờ. Tôi day qua Xuân:

– Mưa nhiều quá, đi chơi hổng được đâu, nếu cô có việc thì cứ đi mần, tui trở xuống tàu, chiều tui lên nhờ cô giúp tôi đi bưu điện.

Xuân nói với vẻ thân mật:

– Không, hôm nay em nghỉ, nếu anh không có chuyện gì thì mời anh qua ốp chơi.

– Ốp! Ốp là gì vậy?

– Là chỗ ở của bọn Xuân đấy.

Hôm nay tôi nghỉ buổi chiều, trở xuống tàu cũng không làm gì, thôi thì theo cô ả chơi, luôn tiện biết thêm cuộc sống của người Việt ở ốp ra sao.

– Từ đây qua chỗ cô ở có xa lắm hông?

– Khoảng mười phút xe điện thôi anh.

– Vậy thì mình đi.

Tôi và Xuân từ giã Stax đi ra, trời vẫn còn mưa tần tả, chúng tôi đội mưa đi ra trạm xe điện.

 Ốp là chung cư dành cho những người Việt sang đây lao động. Chiều dài của mỗi căn phòng khoảng tám chín thước, bề ngang chừng hơn ba thước. Theo lời Xuân thì trước đây cả ngàn dân lao động ở chung cư nầy, mỗi phòng chứa ba bốn người. Vừa qua nhiều người hết hợp đồng về nước. Còn lại khoảng hai trăm người, nên mới được ở rộng rãi như vầy, tức là một phòng chứa hai người. Đây là phòng ngủ và phòng ăn chung. Còn phòng tắm, cầu tiêu, nhà bếp thì xài tập thể.

Xuân mời tôi ngồi chơi, cô xách ấm ra bếp nấu nước. Căn phòng lành lạnh, cảnh vật lờ mờ và mùi mốc meo thoang thoảng. Bất chợt tôi nghe nhiều tiếng động rột rẹt trong góc phòng, tôi ngó qua những thùng giấy vuông đóng kín bằng băng keo, được chất ngăn nắp chiếm một phần tư căn phòng và cao đụng la-phông. Tiếng động mỗi lúc một nhiều và có cả tiếng chuột kêu. Tiếp theo từ thành giường một chú chuột bằng nữa cườm tay bò ra, rồi hai trự ở góc phòng bò tới, ba bốn con ở dưới gầm giường….cuối cùng xuất hiện một bầy chuột giữa nhà, chúng lượm cơm đổ. Bộ lũ chuột không biết tôi là người hay sao mà cứ ngang nhiên trước mặt giành ăn và còn cắn nhau nữa. Tôi ngồi bất động nhìn bầy chuột cho tới khi Xuân mở cửa phòng, tiếng động của cánh cửa làm bầy chuột giựt mình ùa nhau chạy một lượt rồi biến mất vô chồng thùng giấy. Xuân xách ấm nước nóng bước tới bàn mở bình trà, vừa châm vừa hỏi:

– Làm gì mà ngồi trần tư vậy?

– Nhìn bầy chuột diễn binh chớ đâu có trầm tư.

– Ối giời, gì chớ chuột ở đây thiếu gì, có đêm ngủ nó bò lên cắn chân đấy.

Tôi không muốn nói tiếp chuyện chuột, bèn lảng sang hỏi chuyện người:

– Hôm nay cuối tuần mà sao trong nầy vắng teo ?

Xuân rót nước đưa qua tôi:

– Những người làm ca vẫn còn làm chứ anh, còn những người được nghỉ thì họ đi ra bán chợ trời.

– Người ở chung với Xuân làm ca hay đi buôn bán?

– Chị Lan ở chung với em, chị ấy sung sướng lắm, cuối tuần đi chơi với người yêu.

 Xuân rót thêm trà và không hiểu sao cô đem chuyện của chị Lan nào đó kể cho tôi nghe. Theo Xuân thì ở bên nhà chị Lan có chồng, sang đây cặp bồ với một anh buôn bán mánh mung, anh ta chạy hàng từ Nga qua Ba Lan, từ Ba Lan mua hàng đem về Nga. Hèn chi chỗ ở của chị Lan trang trí đồ đạc trông đẹp mắt và sang trong hơn chỗ của Xuân. Trên vách phía trong chiếc giường treo tấm poster khổ lớn của Sylvester Stallone ở trần, tay mang găng chuẩn bị đánh võ đài, cạnh bên một học băng nhạc của các ca sĩ Việt Nam ở nưóc ngoài và có cả một giàn máy hát để trên đầu giường. Tôi chỉ qua chồng thùng giấy hỏi Xuân:

– Thùng đựng gì mà nhiều vậy?

– Hàng của người yêu chi Lan đấy anh.

– Chi Lan ăn nên làm ra nhờ có người yêu, sao cô không tìm một anh để cùng nhau làm ăn cho lên với người ta.

– Có người yêu phiền phức lắm.

– Thiệt phiền hông đó?

– Thật chớ anh, phiền nhứt là mỗi khi chị Lan dẫn người yêu về ngủ lại đêm.

Tôi nhấp một miếng trà thấm giọng:

– Ừa hén, phòng ngủ trống trơn như vầy cũng bất tiện lắm.

Xuân nói rất tự nhiên:

– Lúc đầu hai người làm em khó ngủ, nhưng lâu dần rồi thấy bình thường nhưng…

Cô ta không nói nữa. Tôi cũng không muốn cô kể tiếp câu chuyện:

– Mọi chuyện trở nên bình thường, như vậy là tốt lắm rồi.

– Sống tập thể mình phải thông cảm với nhau chứ anh.

 Mắt Xuân mơ màng và đưa lưỡi liếm vành môi. Tôi nhìn ra ngoài khung cửa để tránh cái nhìn nóng bỏng của cô. Mưa đã tạnh nhưng gió vẫn còn mạnh đủ sức xô đẩy la liệt những cành cây. Nước mưa còn đọng trên cành lá bị gió vũ văng tạc vô vách ván rao rào. Bên ngoài sống động lạnh lùng. Trong phòng yên lặng đến đỗi nghe rõ tiếng chuột kêu. Bây giờ tôi chợt thấy bất tiện khi ngồi đây nói chuyện với Xuân. Tôi đề nghị:

– Xuân nè, hổng ấy cô dẫn tui đi một vòng rồi mình kiếm cái gì ăn.

– Anh đói hả, để em nấu cơm anh ăn.

Tôi lắc đầu:

– Không, tui muốn cô dẫn tui đi giới thiệu một vài món ăn Nga đó thôi.

– Đi nhà hàng tốn tiền lắm.

– Không sao, ra phố ăn cho gần bưu điện.

Không muốn Xuân nói thêm nữa, tôi hớp hết nước trà và bưng tách đứng dậy hỏi chỗ nào rửa tách được. Xuân chồm lên dằng tay tôi xuống.

– Anh cứ để đó và ngồi chờ em thay đồ.

Không biết vì sống tập thể riết rồi quen, hay gì một nguyên do nào khác. Xuân mở tủ lấy áo, quần rồi tự nhiên dạy mặt vô vách cởi đồ ra thay. Nhìn thân thể gầy gò, cặp giò thiếu thịt, mông dẹp lép mỗi khi cúi xuống lòi cả bộ xương xường. Trông dáng vẻ của cô tôi tưởng tượng ra một đất nước Việt Nam ốm đói đương hiện diện trên xứ lạ quê người. Xuân bận quần áo xong, tới đứng trước mặt tôi, cô ta hỏi:

– Chị ở nhà đẹp lắm anh nhỉ?

Tôi không muốn mất thời giờ nên vừa đứng lên vừa nói:

– Có chị nào đâu mà đẹp với xấu.

 Nói xong tôi bước ra mở cửa. Chúng tôi đi dọc theo hành lang, có lẻ thấy tôi lạ nên vài người đưa mắt nhìn. Nổi bật nhứt là trước cánh cửa của một căn phòng, hai bên giăng giấy hoa đủ màu, trên mặt cửa dán chử Tân Hôn bằng giấy bóng màu đỏ. Chứng tỏ có một đôi tình nhân vừa mới được tập thể cấp giấy sống chung.

Mới ngày hôm qua nhiệt độ mười hai, mười ba trời còn ui ui, lành lạnh, bỗng nhiên hôm nay tăng lên tới hai mươi lăm độ. Mặt trời chói chang, gay gắt khó chịu như bị xát muối ngoài da. Mùa xuân vội vã đi qua, mùa hè chợt tới. Tôi trở lại Saint Petersburg chuyến nầy cũng là chuyến chót. Trong những ngày ở đây, tôi tranh thủ thời gian lên thăm và từ giã những người quen. Trước khi lên gặp các bạn, tôi ngỡ câu chuyện sẽ ngưng lại và chấm dứt. Cuộc sống đã tập tôi thành thói quen, đếm một bến lạ vui chơi vui vẻ, tự nhiên, khi rời đi lòng khỏi vấn vương. Nhưng không ngờ khi tôi ngỏ lời từ giã. Yến rưng rưng buồn:

– Anh đi rồi chắc tụi em không còn gặp lại anh nữa đâu.

Tôi cười và nói một câu xưa như đồ cổ:

– Trái đất tròn mà lo gì.

– Phải chi anh ở đây tới Đêm Trắng chúng em dẫn anh đi chơi, vui lắm.

– Đêm trắng là đêm gì?

– Người Nga có tục lệ, hàng năm tới ngày đầu của mặt trời không lặng, họ đổ hết ra đường, uống rượu, ca hát suốt đêm và chiếc cầu bắt ngang sông Neva được quay lên trông đẹp lắm…

 Theo tôi biết thì không phải riêng vì nước Nga, phần đông những động vật sống về phía bắc bán cầu, chịu những tháng dài sống trong cảnh mờ tối. Vì thiếu mặt trời, nên khi ánh sáng trở lại thì lá hoa khoe sắc, chim hót ríu ra ríu rít trên cành; hưu, nai, khỉ đột đùa giỡn trong rừng sâu và con người ta mở tiệc nhậu nhẹt vui tươi chan hoà với thiên nhiên tươi sáng.

 Không ở lại tới Đêm Trắng thì Yến mời tôi lên nhà chơi vào trưa chủ nhựt. Tôi sắp xếp lên đúng hẹn. Khi tới nơi tôi thấy bạn bè tụ tập đầy đủ trong phòng.  Stax xin nghỉ một bửa, anh làm hướng dẫn viên. Yến bồng bé Hương gian, còn Xuân đi theo làm thông dịch. Sang từ nông trại ra có đem theo gà và thỏ, anh tình nguyện ở nhà nấu bếp, chờ chúng tôi về thưởng thức tài nghệ nấu nướng của anh.

 Stax đưa ra một vài nơi thắng cảnh trong thành phố cho tôi lựa chọn. Bảo tàng viện Hermitage nằm bên bờ sông Neva thì tôi đã đi hết một ngày mà chỉ xem được khu mỹ thuật với cung điện chạm trổ tinh vi bằng vàng, tranh ảnh thu thập khắp nơi trên thế giới và một xác ướp của mấy ngàn năm về trước. Tôi có nghe người hướng dẫn nói, nếu muốn xem hết bảo tàng viện thì phải mất ít nhứt là hai năm. Trong nửa buổi chúng tôi không thể đi xem hết viện bảo tàng được. Sau khi cân nhắc, chon lựa, tôi đề nghị đi ra công viên Mùa Hè chơi là tiện nhứt.

 Hôm ấy trời nóng lắm nên ai nấy mặc áo quần màu mè và mát mẻ. Chúng tôi lấy xe điện ra công viên Mùa Hè nằm cạnh bờ sông Neva. Giữa dòng sông những chiếc đò chở đầy nhóc khách du lịch chạy ngược, chạy xuôi.  Chúng tôi nhập vào đám đông du khách đi thẳng vào vườn hoa. Dưới tàn cây xanh bóng mát, nhiều đôi tình nhân thảnh thơi vừa dạo cảnh vừa chuyện trò. Trên những chiếc ghế đá, người lớn ngồi đọc báo, trẻ em ngồi ăn kem. Trên cành cây chim chóc tụ về nhảy nhót và hót líu lo. Các bạn kêu tôi dừng lại xem những tượng vôi trắng tạc  hình người quái lạ. Theo lời Stax thì những tượng nầy do một điêu khắc gia người Ý tạc lên hồi thế kỷ trước tượng trưng cho thần gió, thần mưa, thần ánh sáng, thần đêm tối… nói chung khu nầy mỗi bức tượng là ý nghĩa của một sự sống. Sau khi đi dạo hết công viên, chúng tôi đi tham quan đài chiến sĩ.  Đài được bao bằng bức tường chắn gió, cạnh bên chưn tường được đặt một băng đá dài, trước mặt bàn bằn xi măng láng bóng, chính giữa đài một mẻ lửa bập bùng cháy. Stax nói, đây là đài tưởng niệm những chiến sĩ trắng và đen đã bỏ mình cách đây hơn trăm năm trước…Hình như tiếng Nga của Xuân và Yến chưa đủ để làm thông thông dịch, đôi khi tôi hỏi một câu cần phải giải thích dài dòng, nhưng hai cô dịch lại một câu gọn lỏn làm tôi tưởng chừng như bị lạc đề. Tuy nhiên nhìn nhiều người ôm những bó hoa đủ màu, trân trọng đặt lên phiến đá, rồi đi thẳng vô ngồi lên băng cũng bằng đá, mặt nghiêm trang ngó bếp lửa lập loè, làm lòng tôi dâng lên niềm tôn kính và cảm tưởng như những linh hồn của những chiến sĩ còn phảng phất đâu đây.

 Đã hơn sáu giờ rồi, nhưng bầu trời không dấu hiệu hoàng hôn. Cuộc du ngoạn chúng tôi đưọc chấm dứt sau khi đi ra bến chờ xe điện về nhà. Trên xe Stax nhờ Xuân thông dịch, hỏi tôi:

– Anh thấy thành phố Saint Petersburg như thế nào?

Tôi trả lời: 

– Rất đẹp, nhiều thắng cảnh đáng được xem, nhưng có lẽ gần một thế kỷ qua không được sửa sang, tân trang gì hết. Cho nên Saint Petersburg giống như một thiếu nữ duyên dáng bị bọn côn đồ hãm hiếp tả tơi…

Xuân dịch lại…Stax nghe qua cười nghiêng cười ngữa và cười chảy nước mắt.

oOo

Chúng tôi về tới nhà thì anh Sang đã nấu nướng xong. Gà chặt miếng nhỏ chiêng vàng, thỏ hầm rượu chát.  Ăn với bánh mì kèm sà lách trộn dầu dấm và uống rượu vodka. Ngoài những người bạn thường gặp có thêm Tuyền, bạn gái của Sang, và Phương là bạn của Tuyền. Hai cô nầy tôi gặp vài lần ở nhà Yến và nhiều lần ở chợ trời. Không hiểu sao gặp hai cô đứng bán ngoài chợ, tôi hỏi chuyện hai cô lạnh lùng như không muốn tiếp. Nhưng hôm nay chợt nhiên hai cô đến chơi, vừa thấy tôi Tuyền vồn vã:

– Nghe tin anh sắp rời khỏi nơi nầy, bọn chúng em bỏ chợ về liền đấy.

Tôi khôi hài:

– Chớ hổng phải nghe tôi rời khỏi nơi đây, hai cô mừng quá nên về tống khứ đi cho rảnh mắt.

– Anh nầy…

– Nhưng dù sao tôi cũng cám ơn hai cô.

Nhớ lại  mỗi lần tôi tới đây, nếu không nhờ vả chuyện nầy chuyện kia thì cũng quấy rầy chuyện nọ. Chẳng những các bạn không lấy làm phiền mà còn sẵn sàng bỏ công việc dành thời gian giúp tôi. Yến thay mặt mọi người nâng ly nói lời đưa tiễn, tiếp theo Sang mời mọi người cầm đũa thưởng thức tài nấu bếp của anh. Trong lúc mọi người ăn uống. Stax đi lại góc phòng lấy cây đờn máng trên vách, trở lại ngồi chỗ cũ vừa đờn vừa hát một bản bằng tiếng Nga. Anh hát vừa hết bài, cử toạ cho một tràng pháo tay và bắt đầu nổi hứng.  Sang mượn đờn vừa rảy vừa ngâm bài Tống Biệt Hành, giọng Bắc Kỳ ngâm thơ hào khí gất trời…. “Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ. Chí lớn không về bàn tay không. Thì không bao giờ nói trở lại! Ba năm, mẹ già cũng đừng mong…”. Thiệt tình mà nói, bài thơ anh ngâm tặng tôi nhưng tôi không cảm thấy xúc động chút nào hết. Không hiểu tại sao đàn ông Việt Nam khi ra nước ngoài, hễ ngồi nhậu với nhau thì ngâm Hồ Trường, còn chia tay thì ngâm thơ tống biệt. Người nào cũng chí lớn ngất trời, nhưng phần đông chỉ làm được những chuyện tầm thường, nho nhỏ. Sang ngâm xong bài thơ cũng được một tràng pháo tay. Tiếp theo Xuân mở cặp ra lấy một tập thơ chép tay, cô lật từng trang rồi dừng lại một bài. Xuân giới thiệu, bài thơ nầy của một người bạn làm trong lúc tiễn người thân về nước. Bây giờ cô đọc tặng cho tôi.

Dẫu sao cũng đất nước người
Thôi em đừng đứng giữa trời mà kêu
Có ai thương những kẻ nghèo
Tấm thân tiều tụy đến điều chưa xong
Hàng em bị cướp nhiều không?
Áo quần nhàu nát mặt bầm vết đau
Tưởng rằng qua kiếp ngựa trâu
Nào ngờ lại thấy trên đầu…dùi cui
Đỏ xanh cũng một chân trời
Đi đâu cũng một kiếp người làm thuê
Thôi em đừng khóc làm chi
Đã qua cửa khám thì về cho xong…

Nghe qua tôi hiểu ý của bài thơ là có một cô đi buôn bán chợ trời, xui gặp bọn cướp giựt hết hàng hoá còn bị công an lấy dùi cui đập và bắt đem nhốt nữa. Nhưng khi được Xuân giải thích tôi mới biết có một nữ công nhân hết hợp đồng được về nước. Nhưng khi ra tới phi trường chẳng may bị bọn côn đồ giựt hết đồ đạc. Câu “Đã qua cửa khám…”  Tức là chỗ khám hành lý chớ không phải cửa tù. Tôi hỏi:

– Những người giựt đồ là người Việt hay người Nga.

Xuân tỏ vẻ khó chịu làm như chính cô là nạn nhân bị cướp, cô hằn học nói một hơi:

– Người Việt mình đấy anh, thế nên bây giờ ra phi trường đưa đón người thân, công an bắt phải đứng riêng ở ngoài chứ không cho vô phòng đợi.

Hồi văn nghệ ngưng ngang, thay vào những câu chuyện của người Việt lao động bên Nga… Bây giờ tôi mới hiểu rõ cuộc sống phức tạp của người Việt sống bên Nga thế nào. Lòng rười rượi buồn, thương cho những kẻ bơ vơ xứ lạ quê người, khi sa cơ lỡ vận, các cô may mắn còn có “cái” bán được để độ thân. Còn các cậu thì đâu có gì ngoài sức lực của mình. Một khi tài sức không dùng được ở những nơi lương thiện, thì đem thi thố những chỗ bất lương để dành sự sống chớ biết phải làm sao.

Gần mười giờ đêm trời vẫn còn sáng bưng. Dù sao tiệc cũng đã tàn, tôi xin phép được chia tay các bạn. Vợ chồng Yến ẵm cháu Hương Giang lên xe bus theo tôi ra bến cảng. Tôi vào cổng đi được một đỗi xa, ngoái lại thấy hai người vẫn còn đứng vẫy tay chào.

(*) Sau nầy tình cờ tôi đọc bài thơ trên đăng trong phụ trang của báo Đất Nước, nhưng tôi không nhớ tên người sáng tác. Thành thật xin lỗi tác giả và mong được biết tin để sau nầy ghi lại cho được rõ ràng.

Nguyễn Lê Hồng Hưng

Mã ma trận là cái quái gì?

                                           Mã ma trận là cái quái gì ???

 

Mã ma trận “QR code” được phát minh từ năm 1994 dùng trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi, nhưng mãi cho đến khi có nạn dịch Covid-19 thì ta mới nhìn thấy mã này xuất hiện tại nhiều nơi.
Từ các quán ăn, nhà hàng, nơi giải trí v.v. nói chung là các doanh nghiệp thường có dán bộ mã này trước cửa và yêu cầu khách hàng dùng Mobile phone quét bộ mã trước khi được phục vụ.
Từ lâu chúng ta đã làm quen với bộ mã vạch tức là barcode, thường in trên các sản phẩm. Người bán dùng máy quét mã vạch để tính tiền. Bộ mã này gồm những sọc thẳng đứng và các số, chứa đựng các thông tin về sản phẩm và giá cả.
Mã vạch, barcode: Bây giờ lại thêm mã ma trận “QR code”, gồm những hình ảnh kỳ quái nên được người Việt trong nước gọi là ma trận. Vậy mã ma trận chứa đựng thông tin gì?
Tóm gọn mã ma trận chỉ chứa đựng một hàng chữ, thường là một URL, tức là Uniform Resource Locator mà chúng ta thường gọi là Web address tức là địa chĩ một website.
Đôi khi mã ma trận chứa đựng một hàng chữ để vui chơi như “Hello” – “How are you” v.v.. Nếu bạn có con em làm trong ngành viết program tức lập trình cho máy tính, hãy nhờ họ làm cho bạn một mã ma trận chứa tên của bạn, thí dụ như Danh Nguyen, David Ngo, Kennedy v.v.
Quý bạn hãy chú ý hai hình bên dưới, để có thể biết cách đọc mã ma trận.
                           – Hình 1 –                                                       – Hình 2 –  

Cách đọc mã ma trận:
1/ Hãy mở cái mobile phone, Iphone hay Android phone đều được. 2/ Mở máy chụp ảnh của mobile phone. 3/ Tìm một hình mã ma trận ở đâu đó, có thể trước một quán ăn, một nhà hàng, trong khu shopping gần nhà và kê ống kính ngay cái mã ma trận, xê dịch cái mobile phone xa hay gần cái mã, cho đến khi thấy hình cái mã ma trận xuất hiện trọn vẹn trên màn ảnh kèm theo một hàng chữ gì đó.
Thí dụ tôi đã làm:
hình 1 bên trái là hình bộ mã in trên giấy – hình 2 bên phải là hình bộ mã đó hiện trên máy ảnh mobile phone của tôi với địa chĩ trang web của công ty Wikipedia. Khi hình 2 hiện lên trên máy ảnh, sẽ có hàng chữ yêu cầu bạn gõ ngay vào địa chĩ trang web để nhập vào trang đó.

Hiện nay, chính phủ Úc đang yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký “Doanh nghiệp an toàn với Covid” trong đó có thiết lập mã ma trận riêng cho cơ sở của mình. Chi tiết nơi đây:
https://www.nsw.gov.au/covid-19/covid-safe?language=vi

Khi chúng ta đi vào một doanh nghiệp như nhà hàng, khách sạn, phòng tập gym, nơi giải trí … có treo hình mã ma trận trước cửa, chúng ta sẽ phải làm theo hướng dẫn như trong video của Youtube bên dưới, để check in:
https://www.youtube.com/watch?v=1lZmGgcJynA&feature=youtu.be

Mã ma trận QR là viết tắt hai chữ “Quick Respond” tạm dịch là “Phản hồi nhanh”, “Đáp ứng nhanh”. Bên dưới là hình mã ma trận của hảng Hành không United Airlines in trên Vé lên máy bay “Boarding Pass”: Trong tương lai gần, các vé boarding pass lên máy bay, lên du thuyền v.v. sẽ áp dụng mã QR.
Ý kiến của anh Lâm Hữu Xưa: THẬT RA QR CODE CHỈ LÀ HẬU DUỆ TIẾN HÓA HƠN CỦA BARCODE- Bởi vì BARCODE đã lão hoá chỉ chứa được tối đa 20 CON SỐ ĐƯỢC MÃ HÓA BẰNG CÁC GẠCH THẲNG ĐỨNG.
Vì nhu cầu phát triển nên Ông Nhựt DENSO WAVE đã phát minh ra QR Code (Quick Respond code)
[hình thù như các triện Tàu, dấu hiệu riêng của tác giả in kèm theo các bài thơ hay tranh vẽ] sau hơn 1 năm hòan hảo. Bây giờ QR CODE có thể mã hóa đến 7000 CON SỐ và MẪU TỰ, và được ghi nhận nhanh gấp 10 lần so với các code khác”
.

                                    

 

Khi Bá Quyền Nổi Giận

‘Nếu xem Trung Quốc là kẻ thù, Trung Quốc sẽ là kẻ thù’

Trong Bản Tin đưa ngày 18 tháng 11, trên các báo The Sydney Morning Herald, The Age Nine News cho biểt Bắc Kinh đã phát động một cuộc tấn công mạnh mẽ bất ngờ nhắm vào chính phủ Úc, với cáo buộc “đã đầu độc quan hệ song phương” trong một tài liệu cố tình bị lộ, có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Image: Twitter

Theo nội dung của tài liệu, Trung Cộng còn đi xa hơn bất kỳ tuyên bố công khai nào trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cáo buộc chính phủ Morrison đang cho ” bắn ngư lôi” vào thỏa thuận Vành đai và Con đường của tiểu bang Victoria, và đổ lỗi cho Canberra về các bản tường trình ” không thân thiện hoặc chống đối” Trung Quốc qua các phương tiện truyền thông độc lập của Úc.

“Trung Quốc đang tức giận. Nếu bạn coi Trung Quốc là kẻ thù, Trung Quốc sẽ là kẻ thù”, một quan chức Trung Cộng cho biết như thế trong một cuộc họp báo với phóng viên tại Canberra hôm thứ Ba, 17 tháng 11.

Một hồ sơ về 14 điểm tranh chấp đã được đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra giao cho hãng thông tấn Nine News, The Sydney Morning Herald và The Age trong một tấn kịch ngoại giao với dụng ý nhằm gây áp lực buộc chính phủ Morrison phải đảo ngược quan điểm của Úc về các chính sách quan trọng.

Đứng đầu danh sách là các quyết định cấm Huawei triển khai mạng 5G; ban hành luật can thiệp của nước ngoài và kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19; tài trợ cho Viện Chính Sách Chiến lược Úc trong việc nghiên cứu “Chống lại Trung Quốc” ; các cuộc tra lùng các nhà báo Trung Quốc và hủy visa học thuật”; mở đầu một cuộc thập tự chinh” tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề của Trung Quốc ở Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương; chặn 10 thương vụ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăn nuôi…

Danh sách bao gồm các điểm sau đây:

• Cấm Huawei triển khai mạng 5G vì các quan ngại ” không căn cứ” đối với an ninh quốc gia

• Ban hành Luật về sự can thiệp của nước ngoài, “được xem là nhắm vào Trung Quốc mà không có bằng chứng”

• Kêu gọi điều tra về nguồn gốc của coronavirus – “sát cánh với chiến dịch chống Trung Cộng của Hoa Kỳ”

• Lên tiếng về vấn đề Biển Đông

• Lên tiếng về các cáo buộc nhân quyền ở Tân Cương, cáo buộc chính phủ Trung Cộng “rêu rao những điều dối trá”

• Các cáo buộc “được che đậy yếu đuối” nhằm chống lại Trung Cộng về các cuộc tấn công mạng mà Bắc Kinh cho rằng thiếu bằng chứng

• Và các Luật lệ mới về quan hệ đối ngoại trao cho chính phủ liên bang quyền phủ quyết các thỏa thuận của chính quyền địa phương hoặc tiểu bang với chính phủ nước ngoài

Tài liệu cũng tuyên bố Úc là quốc gia đầu tiên không có sự hiện diện hàng hải ở Biển Đông lên án hành động của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Úc đã đi theo quan điểm của Hoa Kỳ trong việc coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp là “bất hợp pháp”.

Văn kiện này cũng cáo buộc các dân biểu “về việc lên án mạnh mẽ đảng cầm quyền Trung Cộng và các cuộc tấn công vào sự phân biệt chủng tộc chống lại người Trung Quốc hoặc người châu Á” sau khi Thượng nghị sĩ của Đảng Tự do Eric Abetz yêu cầu các người Úc gốc Hoa ra làm nhân chứng tại cuộc điều tra của Quốc hội lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hồ sơ này được chuyển giao ngay trước khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đổ lỗi cho Úc về tình trạng tồi tệ của mối quan hệ hai nước trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Zhao Lijian đã đưa ra một danh sách các cáo buộc tương tự nhưng ngắn hơn nhằm vào nước Úc, cáo buộc chính phủ Morrison đã “vi phạm trắng trợn … về vấn đề quan hệ quốc tế”, bằng cách lên tiếng về những gì chính phủ Úc coi là rủi ro đối với “các quy trình dân chủ ”ở Hồng Kông và các cáo buộc chà đạp nhân quyền ở Tân Cương.

Họ Zhao nói rằng nước Úc đã “vu khống và cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hoạt động can thiệp và xâm nhập vào nước Úc”, đồng thời tham gia vào việc “vận dụng chính trị” đối với cuộc điều tra độc lập về coronavirus.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng cũng cáo buộc chính phủ Úc là nguyên nhân đưa đến tình trạng tệ hại hiện nay về mối quan hệ hai nước, và cho rằng Úc phải chịu trách nhiệm về những vấn đề rắc rối sâu đậm này, “hoàn toàn không được lừa dối Trung Quốc” và kêu gọi nước Úc “cần thực hiện nhiều điều tích cực để cải thiện sự tin cậy lẫn nhau” .

Mối đe dọa có chủ đích nhắm vào lập trường về chính sách đối ngoại của Úc, quan chức Trung Cộng cho biết nếu Úc từ bỏ các chính sách được liệt kê trong danh sách, điều đó “sẽ có lợi đưa đến một bầu không khí tốt hơn”.

Ông nói: “Phía Úc nên suy nghĩ về điều này một cách nghiêm túc, thay vì trốn tránh và đổ vấy trách nhiệm. Hy vọng nước Úc sẽ thú nhận lý do thực sự dẫn đến sự thoái hoá trong quan hệ song phương”.

Hãng Thông Tấn Nine News đã được thông báo rằng Bắc Kinh xem mối quan hệ song phương đang ở “mức độ rất thấp”, vì “tình trạng xấu”, và rằng Trung Quốc sẽ không thực hiện các cuộc nói chuyện ở cấp bộ trưởng, bởi nó sẽ hoàn toàn “vô nghĩa … vì tình trạng” quan hệ tồi tệ “. Điều này hàm ý các cuộc đối thoại chỉ được tái tục nếu nước Úc có những bước nhượng bộ về những điểm liệt kê trong danh sách, vì điều đó sẽ đem đến sự cải thiện mối quan hệ hiện nay.

Ngoài ra còn có những cảnh báo kín đáo về tương lai của các Viện Khổng Tử tại các trường đại học nếu dự luật quan hệ đối ngoại do chính phủ Úc đề xuất được quốc hội thông qua.

Sau khi Úc lên tiếng về việc các nhà lập pháp đối lập ở Hong Kong bị truất quyền, và cảnh báo rằng  điều này “làm suy yếu nghiêm trọng các quy trình dân chủ của Hong Kong”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Wang Wengbin cảnh cáo, “nếu họ khăng khăng đi theo con đường sai lầm thì Trung Quốc sẽ có những phản ứng cần thiết mạnh và hợp pháp. “

Không có một Chính phủ nào của nước Úc có thể đáp ứng thoả mãn tất cả các yêu sách trên mà không nhượng bộ chủ quyền của mình.

Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc Peter Jennings nói với 9News. “Trong nhiều năm, Trung Cộng đã áp dụng một chiến lược đối với nước Úc: Hãy im lặng mà ăn tiền”.

“Họ không muốn nước Úc bày tỏ quan điểm về những điều mà chúng ta cho là quan trọng đối với nền an ninh của khu vực.

“Không người Úc nào có thể sống với điều đó, không một nền dân chủ nào có thể sống chung với những yêu sách đó.

“Chúng ta ngày càng trở nên bất đồng với Trung Cộng. Có lẽ trong nhiều năm tới, tôi e rằng người Úc rồi sẽ phải làm quen với thực trạng của mối quan hệ giữa chúng ta và Trung Cộng sẽ tiếp tục diến tiến như thế .”

Chính phủ Morrison đã bác bỏ các điểm của Bắc Kinh và kêu gọi chính phủ Trung Cộng trả lời các cuộc điện thoại của họ.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Simon Birmingham cho biết: “ Quả banh đang ở trong sân chơi của Trung Cộng nếu họ có thiện chí chịu ngồi xuống để có một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh ”.

Nhưng một quan chức của chính phủ Trung Cộng , không tiết lộ danh tính vì không được phép phát biểu công khai, nói rằng “tại sao Trung Quốc phải quan tâm đến Úc?” và rằng các cuộc điện thoại sẽ “vô nghĩa” trong khi “bầu không khí tệ hại hiện nay” .

Danh sách bị cố tình rò rỉ và bình luận của ông Zhao báo hiệu một sự thay đổi chiến thuật đáng kể từ Bắc Kinh. Chính phủ Úc đã không lùi bước trước những lời chỉ trích, bất chấp Trung Quốc đã leo thang các chiến dịch tuyên truyền và các chỉ thị đối với các thương gia có quan hệ với nhà nước để ngừng nhập khẩu các sản phẩm của Úc. Cho đến nay, Trung Quốc đã áp đặt các rào cản thương mại đối với hàng chục sản phẩm bao gồm rượu vang, thịt bò, lúa mạch, gỗ, tôm hùm và than đá hiện đang đe dọa hàng xuất khẩu trị giá 20 tỷ USD của Úc.

Trung Cộng chiếm 40% số lượng xuất khẩu của Úc và 1 trong số 13 công ăn việc làm của Úc, khiến các nhà kinh doanh và giới chức ngoại giao thêm lo lắng khi phải cân nhắc về các mục tiêu cạnh tranh với nhau: cân bằng mục tiêu an ninh quốc gia của nước Úc, duy trì biện pháp răn đe quân sự đối với sự xâm lược của Trung Cộng trong vùng thông qua Bản Thỏa thuận mới ký kết về quốc phòng với Nhật Bản, và việc tiếp tục mở rộng đường giây kinh tế với Trung Cộng.

Hôm thứ Tư, Thủ tướng Scott Morrison cho biết Trung Cộng không nên bị cảm thấy bị đe dọa bởi việc ký kết hiệp ước quốc phòng quan trọng giữa Úc và Nhật Bản, mở đường cho hai quốc gia tiến hành nhiều cuộc tập trận chung trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ông Morrison nói: “Đây là một bước tiến quan trọng của mối quan hệ này, nhưng không có lý do gì để việc này tạo ra mối lo ngại cho bất cứ ai trong khu vực. “Tôi nghĩ rằng nó làm tăng thêm sự ổn định của khu vực, đó là một điều tốt.”

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Philip Lowe hôm thứ Tư đã thúc đẩy Úc nên duy trì mối quan hệ bền chặt với Trung Cộng .

Trong những lời bình luận trực tiếp về việc tranh chấp ngoại giao có trị giá hàng tỷ đô la cho đến nay, Tiến sĩ Lowe nói rằng đó là lợi ích của nền kinh tế để mối quan hệ giữa Úc và nước đối tác thương mại lớn nhất của mình trở lại đúng hướng.

Ông nói: “Trung Cộng đã hưởng lợi từ việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của chúng ta và chúng ta cũng được hưởng lợi từ việc nhập khẩu sản phẩm của họ. Chúng ta cần duy trì mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc. Điều đó có lợi cho cả hai chúng ta.”

Tổng Giám đốc điều hành của BHP, Mike Henry, nói với Diễn đàn Chiến lược của Úc hôm thứ Tư rằng Úc là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ông nói: “Các quốc gia khác có thể mong ước rằng họ sẽ thành công trong việc tự cung ứng nhu cầu sản phẩm của họ và giữ được sự tự chủ. Điều đơn giản là nước Úc không được xây dựng để thành công theo mô hình này”.

“Mặc dù rốt cuộc chúng ta trông cậy vào thiện chí của các quốc gia đối tác, nhưng chúng ta phải đoan chắc rằng chúng ta đang cố gắng làm tất cả trong khả năng của mình để đảm bảo cho sự thịnh vượng liên tục của nước Úc qua thương mại và hợp tác cùng có lợi cho nhau.”

Đã có một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang cố gắng tách các vấn đề kinh tế ra khỏi các lĩnh vực an ninh và quân sự, Bộ trưởng Ngân Khố Josh Frydenberg hôm thứ Tư cho biết nước Úc sẵn sàng tham dự việc đối thoại trên căn bản ” tương kính và có lợi” với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng có nói thêm rằng như một phần của bất kỳ cuộc đối thoại nào, lợi ích quốc gia của Úc sẽ là “không thể đem ra để thương lượng”.

Danh sách 14 điểm được xác định trong tài liệu của Đại sứ quán Trung Cộng được Bộ Ngoại giao Úc coi là các điểm chính yếu cho lợi ích quốc gia và không thể đem ra thương lượng, khiến hai nước đối mặt với viễn cảnh tranh chấp kinh tế và ngoại giao kéo dài.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết chính phủ làm “các quyết định đúng đắn vì lợi ích quốc gia và phù hợp với các giá trị và quy trình dân chủ cởi mở của chúng tôi.”

“Chúng ta là một xã hội dân chủ tự do với một phương tiện truyền thông tự do và một nền dân chủ nghị viện, nơi các đại biểu đều do dân cử và giới truyền thông được quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình”, Bộ cho biết trong một tuyên bố.

“Chính phủ Úc luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp một cách xây dựng về mối quan hệ của Úc với Trung Quốc, bao gồm cả về sự khác biệt của chúng ta, và thực hiện các điều này một cách trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta.

“Các cuộc đối thoại trực tiếp như vậy sẽ giúp tránh sự trình bày sai lệch mọi lập trường của Úc để được giải quyết một cách xây dựng, giúp tạo mối quan hệ cùng có lợi cho đôi bên”

Lương Định Văn

(Theo Sydney Morning Herald, The Age, Nine News)

Riêng tư

Người đàn ông dẫn con vào khám bệnh. Đã mấy năm rồi, ông ta mỗi lần con cái bị bệnh tật đều đưa chúng đến gặp Nguyễn, chưa một lần chàng gặp người mẹ đem con đến khám bệnh. Nhiều lần chàng muốn hỏi về người vợ của ông ta, nhưng chàng lại ngại sợ mình khơi dậy cái đau đớn, cái vết thương lòng nơi người đàn ông. Chàng nghĩ người đàn ông biết lái xe, và có lẽ qua đây rồi thương vợ, lo cho con nên gánh vác bớt chuyện gia đình cho vợ.

Image : Freepik

Nhiều lần chàng đi chợ với vợ, gặp người đàn ông có lần đi với con, có lần chỉ đi một mình mua thức ăn trông đảm đang như một bà nội trợ giỏi, cân nhắc lựa từng bó rau, lật qua lật lại lựa từng con cá… Có lần khám bệnh chàng còn ngửi thấy mùi dầu mỡ, mùi hành tỏi, mùi chiên xào, mùi khói nấu nướng ám vào người, vào quần áo của ông ta. Người đàn ông đã qua đây khá lâu rồi, nhưng nét mặt vẫn còn mang khuôn mặt tỵ nạn, khác với một số người khác có thể đã đến Hoa Kỳ cùng một thời với ông ta, giờ đã mang những khuôn mặt phè phỡn, bầu bĩnh, những khuôn mặt mỡ màng và căng máu, những vết nhăn tình dục dưới mắt phủ phê, những khuôn mặt có nét huênh hoang tự đại, gian và dâm… Ông ta vẫn còn mang khuôn mặt người đàn ông Việt Nam tỵ nạn, trông rất khốn khổ, thảm hại. Hai gò má nhô cao, hốc hác, mắt lõm sâu, môi thâm tái. Đầy những nét ưu tư buồn lo, đầy những nét âu sầu khổ ải, đầy những nét tủi nhục hận thù, đầy những nét rượu chè cà phê thuốc lá. Thấp thoáng cái nét macho Á đông son vàng tơi tả, lem nhem lem luốc, phảng phất những nét lui cui lạc loài… Những khuôn mặt tỵ nạn đàn ông đi bên cạnh những khuôn mặt nữ giới đã lột mặt, face lift, đã đắp vá tu sửa… trông thật thảm thê, thật khốn khổ khốn nạn.

– Chào bác sĩ. Bác sĩ coi hộ cho cháu xem sao, dạo này cháu bị bịnh gì mà cứ than mệt, ngủ lăn ngủ lóc, bạ đâu nằm vật ra đó.

Nguyễn ngồi xuống ghế hỏi bệnh. Con bệnh từ chối không có bệnh chứng gì cả, không nóng sốt, không ho hen, không nhảy mũi hắt hơi, không ói mửa, tiêu chảy, táo bón, không ngứa ngáy nổi mụn, nổi mận ở da.
Chàng nhìn ngày sinh tháng đẻ, người con gái mới chưa đầy 16 tuổi. Chàng khám bệnh không thấy gì ngoài cái rã rượi, mệt mỏi.

– Em chăm học quá phải không? Thức đêm thức hôm nhiều quá chứ gì?

– Not much.

– Kinh có đều không?

– What do you mean “kin”?

Người con gái không nói tiếng Việt nhưng hiểu.

– Menstruation.

– Oh! Last month.

– Every month?

– Yes.

– How’s about this month?

– Not yet.

Người con gái không biết hoặc không chịu nói tiếng Việt, hoặc cố ý nói tiếng Mỹ vì không muốn cho người cha biết chuyện.

– Cháu có bệnh gì không bác sĩ?

– Tôi chẳng thấy gì cả. Bác khuyên cháu học vừa phải thôi, phải để dành sức để lên đại học, học cho tới tận ngọn tận ngành của những chuyên khoa mình thích. Bác khuyên cháu chú trọng đến phần thể dục và phần thực hành, nghỉ hè phải lăn ra sống với đời nữa. Phần lớn tuổi trẻ Việt Nam, học giỏi nhưng không có sức, không sống với đời nên giỏi về học vấn kỹ thuật, nhưng kém về kinh bang tế thế. Mai mốt lớn thêm tí nữa, mùa hè bác ghi tên cho cháu vào chương trình trao đổi sinh viên với các quốc gia khác, nhất là tới các quốc gia nghèo mà còn chú trọng đến đạo lý, để cho tầm mắt cháu mở rộng thêm ra… Phải tạo ra một thế hệ trẻ không thể bị cộng sản bịp và tư bản lừa.

– Tôi cũng bảo cháu luôn.

– Tôi viết cho cháu cái toa thuốc bổ, hôm nay cho cháu thử máu, thử nước tiểu xem có gì lạ không.

– I don’t want to have blood test done.

– Fine, let’s get some urine, first.

Người con gái đi lấy nước tiểu. Người cha đi ra theo. Nguyễn khám người bệnh tiếp. Chàng bảo người cha chờ ở ngoài, sai người y tá thử nước tiểu.

Người y tá cầm cái ly nước tiểu của người con gái vừa đưa cho:

– Thử theo thường lệ hả bác sĩ?

– Không, cô thử thai cho tôi luôn.

Khi khám xong người bệnh, người y tá đưa kết quả thử bầu cho chàng quyết định.

– Có vẻ positive bác sĩ!

Nguyễn liếc nhanh:

– Cho tôi gặp riêng cô bé thôi.

Để người con gái ngồi xuống ghế đợi một lúc, cho tới khi chàng viết xong cái hồ sơ bệnh lý.

– I want to discuss with you.

– What?

– Did you have sex?

– Yes, what’s wrong?

– Nothing is wrong with sex, the question is that you are still very young and you have to know how to avoid the bitter taste of sex. Sex has side effects too.

Chàng ngừng nói để cho những lời nói của mình thấm vào đầu đứa con gái. Nhưng nó táp lại chàng:

– I know that.

– Good! Your urine test was positive.

– What do you mean?

– That means probably you’ve got pregnant.

– Probably?

– Yes, probably.

– You are not sure?

– Yeah, urine test is not 100% accurate, if you want I have to do blood test or I have to do pelvic exam.

– I hate blood test.

– So, do you want a pelvic exam? Do you know a pelvic exam is?

– Yup.

Người con gái ngồi nhìn xuống chân, mặt sưng lên, một lúc sau ngửng mặt lên.

– Okay. You can do pelvic exam.

– I have to get a consent from your father.

– Why?

– Because you are a minor.

– I don’t want him to know anything.

– Sorry, without his consent I cannot do it.

– So, what do you want to do?

– As I said. I will do blood test or I can refer you to an OB – Gyn, a women doctor.

– No, I want to know now. I don’t want to get anything else.

– So, you have to decide which way to go. I don’t have time. Go out and think about it, and let my nurse know your decision.

Nguyễn mở cửa đuổi con bệnh ra rồi dập cửa lại hơi bực mình vì cái cách đối đáp mất dạy của đứa con gái.

Một lúc sau người y tá cho chàng biết người con gái muốn khám thai.

– Cô cho mời ông bố vào.

Người đàn ông như đoán được điều gì quan trọng.

– Mời bác ngồi.

Nguyễn lựa lời để khỏi làm người đàn ông kinh hoàng.

– Tôi muốn xin phép bác để khám bệnh phụ nữ cho cháu, theo luật định cháu còn vị thành niên phải có phép của cha mẹ.

– …

– Còn không tôi phải gởi cháu đi một bác sĩ sản phụ khoa.

– Hồi xưa bác sĩ cũng là bác sĩ chuyên khoa về ngành đó mà.

– Vâng, bây giờ tôi chỉ chăm sóc những vấn đề phụ nữ thông thường thôi, qua đây phải hành nghề theo đúng luật lệ hạn định ở đây, hy vọng cháu cũng chẳng có cái gì rắc rối.

– Tôi chỉ ngại đến cái vụ…trinh tiết của cháu?

Nguyễn không dám nhìn thẳng vào mặt người đàn ông. Cố gắng vận dụng ba tấc lưỡi để làm êm dịu bớt cái sự thật.

– Tôi khám xem sao, nếu còn tôi sẽ không khám bên trong, nhưng ở Mỹ này, cái sự mất còn chẳng ăn nhằm gì đối với tương lai hạnh phúc của người con gái.

Nguyễn biết người đàn ông đang chết điếng quên cả việc trả lời cho chàng biết có bằng lòng ưng thuận cho chàng khám hay không.

– Bác ra ngoài ngồi chơi rồi cho tôi biết sau, tôi phải qua phòng bên xem người bệnh khác.

– Tôi sợ cháu còn khám…

Nguyễn nói vừa đủ nghe và cố ý làm ra vẻ như không có gì quan trọng:

– Cháu bảo với tôi cháu đã có sex rồi.

– Vậy sao?

Người đàn ông tắc họng. Một lúc lâu nói như bào chữa: “Cháu chỉ đi học rồi về nhà, đi đâu tôi cũng đưa cháu đi”.

Người đàn ông nói xong chợt thấy mình ngây ngô, thở dài.

– Ở đây trẻ con có sex, trẻ con có bầu là một vấn đề trọng đại, cái chính là làm sao cho các cháu nó hiểu hơn là cấm đoán.

Người đàn ông lại thở dài:

– Bác sĩ khám cho cháu cũng được.

Nói rồi người cha đứng dậy bỏ đi ra ngoài như đi trốn một sự thật trước mắt.

Nguyễn bỏ qua phòng bên khám một người bệnh khác, khi sửa soạn con bệnh xong, người y tá mời chàng qua khám cho người con gái.

Thoáng nhìn bề ngoài, chàng chẳng cần nhìn cái màng trinh cũng biết rằng người con gái đã không còn gì.
Khám không có gì khó khăn, cái dạ con đã to bằng quả cam Sunkist California thứ thượng hảo hạng.

– What do you find out?

About two or three month pregnancy.

– Really?

– You didn’t use contraception?

– No.

– Why?

– I don’t like it.

– So…

– What I have to do now?

– Discuss the problem with your father.

– I don’t want to talk to my father. He is an old fashioned guy…

– How about your boyfriend.

– I don’t know who is the father, I have a lot of boyfriends.

– How about your mom?

– She is considered a dead person…

– Well…you have to find some ways…

– I don’t want anybody to know about this, this is a confidential business, right?

Nguyễn chới với không muốn xác nhận ngay với con bé, chàng mang máng nhớ cái luật privacy act của California, né tránh:

– Of course, I don’t let anybody know but I think I have to inform your father.

– No, I don’t want him to know, do I have the right to handle my life myself?

– I did talk to your father to get his consent to do the examine, so I think I have to let him know the result of the exam. That’s fair.

– No, I will check with my counselor, I will sue you if you don’t do as I say.

Nguyễn giật mình, con nhóc con này nói có vẻ hỗn láo nhưng nói rất có lý, sơ hở là vác chiếu ra toà với nó ngay, nó có lú thì…thầy chú mắt xanh…nhà nó khôn.

Nguyễn bỏ đi rửa tay rồi trở về bàn giấy ngồi thừ người ra. Cuối cùng để cho yên tâm, chàng nhấc ống điện thoại lên gọi cho luật sư riêng của mình để tham khảo ý kiến. Luật sư khuyên chàng phải nghe theo lời đứa con gái  không được nói cho bố mẹ biết,  nếu không nó sẽ đi kiện, nhất là một khi đã có lời yêu cầu xin giữ kín chuyện riêng tư.

Nguyễn trở qua phòng khám bệnh, người con gái mặt vác lên như cái mảnh sành cong.

– Okay, I will refer you to social service agency located on 17th street in Santa Ana, they will take care of you.

– I can handle it by myself.

– I know, but my duty is to refer you there.

Nguyễn viết cái địa chỉ và số phone rồi đưa cho người con gái, dặn người con gái phải liên lạc ngay với văn phòng chăm sóc thiếu nhi mang bầu. Cẩn thận hơn chàng gọi phone lên Sở Xã Hội, chính mình gởi chuyển con bệnh, lấy cả tên người nhân viên, viết rành mạch mọi chi tiết xuống hồ sơ bệnh lý.

Gọi điện thoại xong chàng ngồi ỳ trong phòng, nơm nớp lo ngại người cha đòi gặp mình, nếu giáp mặt chàng không biết phải nói sao. Nói dối, nhất định chàng không muốn nói, ở Mỹ mười mấy năm rồi, chàng không thể nào tập được tính nói quanh sự thật, bóp méo hay bẻ cong sự thật. Chẳng lẽ chàng lại nói dối với người bệnh đã theo chàng sáu bảy năm nay, ông ta coi như một phần trong gia đình chàng. Nói dối người cha chàng còn mặt mũi nào nhìn lại ông ta nữa, nhưng bây giờ nói sự thật, luật sư khuyên không nên nói. Không biết mình phải nói làm sao, nói rõ cho người cha biết, con nhỏ đó và những cố vấn của nó sẽ đưa chàng ra toà.

Hôm nay quả là ngày xui xẻo, khám bệnh vừa khó nghĩ vừa bị lỗ vốn. Ở Mỹ hành nghề bác sĩ, nhiều khi khám bệnh bị lỗ vốn là chuyện thường. Khám bệnh bảo hiểm nhiều lúc lỗ vốn càng to vì vấn đề tiền đầu tiền đuôi, có kẻ còn trả check không tiền bảo chứng. Còn khám bệnh Medical mất cả chì lẫn chài là chuyện đương nhiên. Khám con bé gái vừa rồi mất cả giờ đồng hồ, tốn áo giấy, gối giấy, giấy trải giường, găng tay, mỏ vịt, thuốc thử thai… tiền nhà tiền cửa, tiền điện nước, tiền bảo hiểm bất động sản, tiền bảo hiểm hành nghề, tiền điện thoại, tiền lương y tá, nhân viên hành chánh, vân vân và vân vân…. Nhiều lắm chính phủ trả được hơn hai chục đô la, mà tiền tham vấn luật sư qua điện thoại tối thiểu mất năm chục bạc. Ai bảo hành nghề bác sĩ ở Mỹ không lổ vốn? Vì nhân đạo bác ái ư? Nhân đạo bác ái cho một con bé tuổi chưa ra hoa mà đã có trái, đã từng mở miệng ra dọa đưa mình ra toà ư?

May mắn người đàn ông không đòi gặp chàng, lẳng lặng ra xe bỏ về. Có lẽ và dĩ nhiên ông ta còn ngượng ngập, còn xấu hổ hơn chàng. Nguyễn thở dài. Chắc chắn ông ta đã hiểu biết chuyện gì xảy ra cho con gái mình rồi. Ít ra ông vẫn còn mang trái tim và nét mặt khốn khổ của người di tản tang thương.

Cả buổi chiều, chàng vẫn thấy ngài ngại, lo sợ người đàn ông gọi điện thoại lại, cứ mỗi lần chuông điện thoại reo, chàng lại hồi hộp.

Lúc hết bệnh ngồi không, chàng nghĩ vẫn vơ không biết con bé sẽ định đoạt số phận cái bào thai ra sao, chắc nó sẽ nghe theo lời phù thủy mắt xanh của nó.

Có tiếng người y tá nói trong interphone:

– Thưa bác sĩ có điện thoại.

Nguyễn chần chờ rồi đưa tay để lên ống điện thoại.

Nguyễn Xuân Quang

Y đức

                                                  Y đức ở VN. Năm 2008 tôi về Quảng Ngãi tìm tài liệu và chuẩn bị làm phim về cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi đang chụp ảnh phần mộ của cụ trên núi Thiên Ấn thì một cụ già khả kính đến nói với tôi:

– Anh làm ơn chụp cho đoàn bác vài kiểu ảnh kỷ niệm. Máy bác hết phim (hồi đó
ở Việt nam còn chụp bằng phim).
Nói rồi ông gửi tôi cái danh thiếp và hẹn gặp lại ở nhà khách UBND tỉnh Quảng Ngãi gần đường Hùng Vương.
Nhìn tấm danh thiếp
ghi “GS Võ Như Lành – TS Y khoa”, tôi thích ngay và chỉ sau một giờ tôi đã đem đến nhà khách biếu ông một bộ ảnh rất đẹp, không lấy tiền.

Cảm kích vì nghĩa cử đó và nhận ra mình là đồng hương, quê tôi ở Cẩm Khê, nhà ông ở Xuân Huy, Lâm Thao một làng nhiều Tiến sĩ nhất Việt Nam từ năm …1970, chỉ cách nhau hơn chục cây số, ông tiếp tôi rất nồng hậu.
Khi tôi khéo léo hỏi ông (có ghi âm) về chuyện Y đức thì vị giáo sư bạc đầu này đáp:
-Tôi không trả lời anh đâu, nhưng tôi kể cho anh nghe câu chuyện của chính gia đình tôi, rồi anh làm gì thì làm.

Tôi nghe xong câu chuyện mà xúc động. Câu chuyện này có lẽ đủ để giải thích tất
cả những chuyện vui buồn của ngành y tế, từ chuyện tiêm vắc-xin chết người, đến chuyện Cát Tường, chuyện dịch sởi, chuyện Bộ Y tế nhập thuốc Tây giả
v.v…

Dưới đây là câu chuyện của GS Võ Như Lành:
-Một lần tôi về phép đúng vào dịp người em tôi bị đau vùng bụng, rất nguy kịch, phải đi bệnh viện ngay ban đêm. Là nhà nghề
nên tôi leo lên xe đi cùng. 

Vào khu vực phòng cấp cứu, tôi vui mừng nhận ra vị trưởng phòng cấp cứu là BS Huy, một học trò giỏi của tôi trong trường Y. Khi khiêng băng ca vào phòng, hai lần tôi giáp mặt với BS Huy nhưng tôi chợt nhận thấy hình như anh ta không muốn chào tôi.
Anh đeo khẩu trang nhưng làm sao tôi quên được vầng trán, ánh mắt, dáng đi của một SV đặc biệt đã học tôi 6 năm trời.
Và đêm ấy, theo gợi ý của cô y tá và sự chỉ dẫn của một người lạ, người nhà tôi phải chi ra 2 triệu bôi trơn cho kíp mổ. Một tuần sau em tôi ra viện
.


Tôi cầm tiền lên thanh toán bệnh viện phí  và chủ trương đối diện với tay sinh viên
ngày xưa, nay đã trở thành kẻ bất trị.
Khi tôi vào phòng
Y vụ, vừa chìa giấy tờ ra thì cô nhân viên chừng 30 tuổi đứng bật dậy, giọng nói trầm ấm, thân tình:
-Mời thầy đi theo em.
Mặc dù tôi chưa dậy cô
ta
ngày nào nhưng nghe giọng nói thân thiện, tác phong rất chân tình, tôi vô thức bước theo cô.
Cô đưa tôi lên thẳng phòng …cấp cứu. Đến cửa, cô nói:
-Mời thầy vào, Xếp em đang chờ thầy!.
Cô mở cửa ấn tôi vào căn phòng mát rượi và đi ra.

Khi chỉ còn hai người, BS Huy ôm chầm lấy tôi. Anh nói ngay:
-Thầy ngồi đi, em biết là thầy giận em lắm. Rồi em sẽ giải thích ngay để thầy hiểu.
Tôi lắng nghe.
Vẫn con người ấy, thông minh, lanh lợi, tin cậy và thân tình.
Anh ta nói: “Nếu hôm đó, thầy trò mình nhận nhau, tay bắt mặt mừng thì có thể, người nhà thầy…đã chết rồi.
Nếu kíp toán mổ nhận thấy họ đang phải thức ba tiếng đồng hồ giữa đêm khuya để mổ một ca không phong bì thì chất lượng chuyên môn, các biện pháp hỗ trợ, sẽ chạy theo kiểu không phong bì thầy ạ.
Bởi vậy, khi gặp thầy, em làm lơ, tính sau ca mổ sẽ gặp lại thì Thầy đã về rồi.
Hôm nay, em xin tạ tội cùng thầy và em phải nói rằng, em có được như ngày hôm nay là nhờ thầy, Xin thầy đừng từ chối món quà này của em, coi như vài thang thuốc bổ để chăm sóc thầy khi không được gần thầy”. 

Huy nói rồi lấy một gói giấy mỏng, gói ghém chu đáo sẵn nhanh tay nhét vào túi trong áo veston của tôi.
Tôi hoàn toàn mất tự chủ. Sự thể diễn ra hoàn toàn ngoài suy đoán, dự cảm của tôi. Huy vẫn như cậu sinh viên hiếu hạnh, chu đáo và giỏi giang năm xưa.

Cuối cùng, tôi hỏi:
– Tôi có dạy các anh làm thế không?.
– Dạ, thưa thầy, cái lỗi chính nằm ở chỗ ấy ạ. Cái chính là vì các thầy đã không dạy những cái đó, những cái cần phải dạy.

Tôi ớ ra, hỏi cho rõ thì BS Huy nhẹ nhàng:
-Ngày làm luận án tốt nghiệp, các thầy cho một câu hỏi: Người Bác sĩ chế độ XHCN khác với người BS Tư bản ở chỗ nào? Nếu ai trả lời rằng, điểm khác biệt đó là người BS XHCN không cần tiền bạc mà vẫn làm tốt chức phận của mình thì
được điểm cao.

Thực tế không phải thế!
Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề. Hình như toàn bộ bi kịch là ở đây. Hình như chúng tôi có lỗi. Không có BS nào là không cần tiền cả. Tôi ngậm ngùi thăm hỏi hoàn cảnh BS Huy.
Anh nói: “Sau khi ra trường, con về phục vụ tại một bệnh viện chuyên ngành chăm sóc cán bộ tại Hà Nội. Bệnh nhân của BV này toàn loại VIP.
Đến bữa trưa, con đem cặp lồng cơm đã nguội có vài cọng rau muống đen xì và nửa quả trứng kho mặn vợ chuẩn bị ra ăn
, trong khi những bệnh nhân kia chơi gà luộc nửa con, giò chả ngập chân răng và họ luôn có quyền bắt nẹt chúng con.

Đến một lúc, con nghĩ: tại sao cùng là người sao họ sướng thế. Sao mình ra sức phục vụ, ăn học từng ấy năm, tận tụy, hiểm nguy mà khổ thế. Vậy là p
hải “chặt” !

Lần đầu con chặt, cầm cái phong bì cũng hơi run tay nhưng về sau quen dần, càng chặt càng bén, chặt nhát nào ra nhát ấy. Về sau con cũng đứng lớp giảng dạy học trò nghề y cao quý này, ra trường chúng cũng biết chặt, chúng chặt giỏi hơn con, chặt nhát nào ra nhát ấy”.

Tôi không biết nói gì lúc này nữa. Trong không gian này, tôi không biết ai là thầy, ai là trò nữa. Hình như BS Huy đang dạy cho tôi bài học vỡ lòng về sự bất hợp lý trong những vận động xã hội đã xảy ra, đang xảy ra.
Trên đường về, tôi giở phong bì ra, đếm được mười triệu. Tôi lẩm cẩm nghĩ: Lãi 8 triệu và một bài học quý từ cuộc sống, thôi thì….

Câu chuyện của GS Lành đến đây là hết. Không gian nhà khách UBND tỉnh Quảng Ngãi trầm hẳn xuống. Tôi cũng chẳng biết bình luận gì thêm.

Phải chăng, chúng ta đã tạo ra một không gian để phát triển một loại mâu thuẫn xã hội đằng đẵng dăm chục năm và rồi hôm nay ta đắm mình trong bi kịch đó, bi kịch mà một nhà văn đã nói: Cái lò xo bị nén xuống ba tấc, khi bật lên, nó sẽ bật lên chín tấc.

Những tiêu cực trong ngành y tế sẽ còn dài chứ không dừng lại ở đây kể cả khi thay đổi năm ba Bộ trưởng. Bao giờ cái quy trình từ đào tạo đến các nguyên tắc về phúc lợi, nhân đạo, cơ chế chính trị thay đổi theo hướng tích cực, có lý có tình thì tình hình sẽ tự nó tốt lên, các bạn ạ.

Trump, Trung Cộng , và Chúng ta

Y Chan – ( Luật Khoa)

Donald Trump, bi kịch song trùng của người Việt và lựa chọn nào cho tương lai.

Vào tháng 10/2020, YouGov, một công ty nghiên cứu dữ liệu quốc tế có trụ sở tại London, đã công bố kết quả khảo sát về xu hướng ủng hộ của người dân các nước đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Theo đó, hầu hết người dân các nước châu Âu đều hy vọng Joe Biden thắng cử.

Illustration: Craig Stephens

Tương tự, trong tám nước và vùng lãnh thổ châu Á được khảo sát, đa số người dân cũng ủng hộ Biden, với tỷ lệ áp đảo từ 7:1 ở Malaysia (bảy người chọn Biden so với một chọn Trump) đến sát sao như 7:6 tại Hong Kong.

Ngoại lệ duy nhất là Đài Loan, khi những người được hỏi ủng hộ Donald Trump nhiều hơn so với Joe Biden. Cứ năm người chọn Biden thì có bảy muốn Trump tái đắc cử (tỷ lệ 5:7).

Nếu là người thường xuyên theo dõi các chương trình truyền hình về chính trị ở Đài Loan, người ta hẳn phải nghi ngờ con số này. Nó quá thấp so với thực tế.

Các talk-show về chính trị tại đảo quốc gần như đưa tin áp đảo về Donald Trump. Các nhà bình luận gọi sự ủng hộ của người Đài Loan dành cho Trump là một thứ “tình cảm quốc dân”, ai nấy đều đồng lòng. Những người khác không ngần ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ, rằng “ngày nào cũng theo dõi nhất cử nhất động, mê mẩn từng lời phát biểu của ông ấy, còn hơn cả việc đón xem ngôi sao điện ảnh.”

Tương tự, với những ai có theo dõi báo đài ở Hong Kong, họ sẽ phải nghi ngờ kết quả khảo sát của YouGov, khi số người ủng hộ Trump tại đây có vẻ áp đảo, hoặc ít nhất là cuồng nhiệt vượt xa số còn lại.

Apple Daily, một trong những tờ báo có lượng phát hành cao nhất tại Hong Kong, được xem là ngọn cờ đầu của phong trào dân chủ của thành phố này, liên tục đăng tin bài ủng hộ Donald Trump. Một trong những bài bình luận gần đây được đăng tải tuyên bố, “một phiếu bầu cho Trump không chỉ là vì lợi ích của nước Mỹ, mà còn là vì sự sống còn của thế giới tự do.”

Các tờ báo độc lập khác của Hong Kong, như Stand News và Hong Kong Free Press, mỗi khi đăng các thông tin bất lợi cho Donald Trump, đều nhận được phản ứng kịch liệt của cư dân mạng. Nhiều người chụp mũ những tờ này là “cộng sản” hay “bị chính quyền mua chuộc”, bất kể việc các phóng viên tại đây, từ những ngày đầu tiên đã và vẫn đang mạo hiểm đưa tin ủng hộ cho phong trào đấu tranh dân chủ của người Hong Kong, còn bản thân họ luôn là đối tượng bị chính quyền đặc khu tìm cách đàn áp.

Không chỉ có cộng đồng người Hoa tại Đài Loan và Hong Kong, những người gốc Hoa hải ngoại cũng góp phần không ít trong việc lên tiếng bảo vệ “sự sống còn của thế giới tự do” – lý do mà họ tin rằng mình phải ủng hộ Trump.

Vào tháng 8/2020 vừa qua, Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một trong những nhà hoạt động nhân quyền gốc Hoa nổi tiếng nhất ở nước ngoài đã xuất hiện tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng Hòa và đăng đàn bày tỏ sự ủng hộ cho Donald Trump. Điều đáng nói là tám năm trước, ông được chính quyền Obama, và đích thân ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, Hillary Clinton, can thiệp ngay trong đêm để cho trú thân trong đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, và sau đó điều đình cùng chính quyền Trung Cộng để đưa ông sang Mỹ, thoát khỏi sự bức hại của nhà cầm quyền cộng sản. Tám năm sau, ông xuất hiện ủng hộ Trump, người vẫn luôn hào hứng với ý định tống cổ vào tù Hillary, Obama, Joe Biden, hay bất kỳ ai chống lại mình.

Hay như trường hợp của Văn Chiêu (Wen Zhao), một trí thức rất được kính trọng trong cộng đồng gốc Hoa hải ngoại. Ông sống tại Canada và được xem là một trong những nhà bình luận chính trị gốc Hoa nổi tiếng nhất tại nước ngoài vào thời điểm hiện tại. Kênh Youtube của ông có hơn 650.000 người đăng ký theo dõi, và các video ở đây tính đến nay đã có hơn 260 triệu lượt xem. Trong đợt bầu cử Mỹ lần này, Văn Chiêu dành phần lớn thời gian để phân tích mổ xẻ các thế lực hắc ám bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ đang cố tình bức hại Donald Trump, và luôn kết thúc bằng lời kêu gọi, trông đợi vào “tri thức, năng lực phán đoán và lương tri” của những cử tri Mỹ.

Điều gì khiến cho nhiều người gốc Hoa ở mọi ngóc ngách của trái đất tề tựu lại dưới ngọn cờ Trump? Câu trả lời quá hiển nhiên: ác cảm, hay sự căm hận, đối với chế độ cộng sản độc tài Bắc Kinh.

Những người Đài Loan hàng chục năm qua luôn phải sống dưới cái bóng của hàng ngàn quả tên lửa từ đại lục hướng thẳng về phía mình. Chưa kể thời gian gần đây Bắc Kinh còn liên tục tăng cường gây hấn, điều tàu chiến và máy bay xâm phạm quấy nhiễu đảo quốc gần như mỗi ngày, đánh to trống trận đòi “thu phục” mảnh đất mà họ chưa bao giờ sở hữu.

Những người Hong Kong thì chưa đi hết nửa chặng đường của lời hứa 50 năm tự trị đã phải chứng kiến các quyền tự do cơ bản nhất của mình bị Bắc Kinh bóp nghẹt, biến nơi từng được xem là tự do văn minh bậc nhất thế giới dần trở thành một nhà tù khổng lồ dưới chế độ công an trị.

Nhiều người Hoa sống tại nước ngoài thì đã tiêu gần hết đời mình cho các hoạt động vận động dân chủ, nhân quyền cho quê hương, đổi lại vẫn là một con đường trong hầm dài gần như vô tận, mãi không thấy lối ra.

Rất nhiều người trong số họ đã quá chán nản, thậm chí là tuyệt vọng.

Họ muốn thay đổi. Họ cần thay đổi. Bất kỳ sự thay đổi nào so với thực tại.

Đó là thứ mà họ nghĩ mình nhìn thấy được ở Donald Trump.

oOo

Cũng giống như những người Đài Loan, Hong Kong, và gốc Hoa ở nước ngoài, các cử tri Mỹ ủng hộ Trump vì họ muốn có một sự thay đổi, bất chấp các vấn đề về nhân cách của ông.

Hãy nghe thử những bình luận dưới đây về Trump.

– Một kẻ không biết thế nào là sự thật, cộng thêm mức độ ái kỷ vô biên, chỉ biết đến bản thân mình mà không đếm xỉa gì đến người khác.

– Ông ta không phân biệt được đâu là sự thật và đâu là dối trá. Mọi thứ phát ra từ miệng Trump đều là giả dối.

– Tất cả những gì tôi dạy các con mình khi đi học mẫu giáo là đừng học theo những gì Trump làm.

– Ông ta là một kẻ kích động thù hằn chủng tộc, bài ngoại, và cuồng tín.

– Ông ấy nói mình luôn đứng về phía những người nghèo khổ, nhưng sự thật là ông ta xây dựng sản nghiệp của mình trên xương máu của họ.

– Trump từng khoe khoang rằng nếu ông ta yêu cầu một người lính phải phạm tội ác chiến tranh, người lính đó sẽ ngoan ngoãn tuân lệnh.

– Ông ta là một thứ cocktail tổng hợp từ các món mị dân, những trò tiểu nhân, và những thứ nhảm nhí khác.

– Tôi không thể nào ủng hộ một người như Donald Trump.

Đó không phải là lời của những người vô danh cầu bơ cầu bất. Lại càng không phải là phát biểu của những người kém học thức. Và chắc chắn những người phát ngôn trên không hề nghèo khó tuyệt vọng.

Tác giả của những câu nói để đời ở trên là Lindsey Graham, Nikki Haley, Kellyanne Conway, Susan Collins, Mike Pompeo… những con người quyền cao chức trọng mà sau khi thổ lộ những điều này, đều quay ngoắt 180 độ chiến đấu hết mình để bảo vệ chính con người mà họ từng nói ruột gan “không thể nào ủng hộ”.

Việc tự tát vào mặt mình giúp họ thăng tiến như diều gặp gió, khi người được chức cố vấn, người được làm Ngoại trưởng, người trở thành đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, người thì tiếp tục nắm quyền sinh sát trong thượng viện…

Những người này có phải bị sét đánh trúng, đột nhiên ngộ ra chân lý, nhìn thấy được các phẩm chất tốt đẹp của Trump?

Tất nhiên là không. Nếu và khi Trump không còn tại vị, họ sẽ lại trở về với “những lời gan ruột” của mình.

Họ đi theo Trump vì một lẽ giản dị: quá nhiều cử tri Mỹ chán ngán với thể chế hiện tại, cần một sự thay đổi, và Trump là đại diện cho hy vọng thay đổi. Họ phải theo Trump để lấy lòng những con người bất mãn đó.

Với những người Mỹ cảm giác bị bỏ rơi, giấc mơ Mỹ ngày càng xa vời, thì thứ quyền lực Mỹ duy nhất còn sót lại là bỏ phiếu cho bất kỳ sự thay đổi nào. 

Một tâm thế giống như phần lớn cộng đồng người Hoa trên thế giới: chẳng còn gì có thể tệ hơn hiện tại. 

Ra sao thì ra, nhưng phải thay đổi.

oOo

Người Đài Loan tất nhiên biết Trump mở miệng chống Trung Quốc không phải vì mình. Họ cũng biết Trump ngay từ đầu đã xem Đài Loan là con bài để mặc cả, xem có thể “deal” thế nào với Trung Quốc. Họ cũng hiểu Trump xem vị thế của Đài Loan chỉ bé như cái ngòi bút, còn lợi ích từ Trung Quốc to như cái bàn (như tiết lộ từ hồi ký của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Trump). 

Người Hong Kong cũng biết Trump lần lữa lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ tại đây, không muốn làm hỏng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ông chỉ thông qua Đạo luật Dân chủ Hong Kong khi nó đạt được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của lưỡng viện quốc hội (nếu Trump không thông qua thì lưỡng viện quốc hội cũng sẽ phủ quyết). 

Những người chống lại chế độ cộng sản Bắc Kinh cũng thừa biết việc Trump rất thích thú khoe khoang về “mối quan hệ tốt” với những lãnh đạo độc tài, từ Vladimir Putin ở Nga, Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ, đến Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, và thậm chí không ít lần buông lả với Tập Cận Bình. 

Nhưng họ chấp nhận bỏ qua tất cả, vì Trump có khả năng đem đến sự thay đổi.

Chính xác hơn, Trump có khả năng thay đổi xoành xoạch.

Ngày hôm nay chửi thậm tệ Bắc Hàn, ngày mai tay bắt mặt mừng với nhà độc tài trẻ tuổi. Buổi sáng khen ngập mặt Bắc Kinh, buổi tối đe dọa cắt đứt quan hệ.

Những người ghét Trump không hiểu nổi đây là thứ phong thái lãnh đạo kiểu gì. Những người đặt niềm tin vào Trump thì vô cùng hứng khởi với “tư duy thực tế” của ông.

Nếu chịu bỏ thời gian tìm hiểu tiểu sử gia đình Trump, người ta sẽ nhận ra những thứ ông làm chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Một người từ khi lên ba đã được rót hàng trăm ngàn đô la vào tài khoản, trở thành triệu phú từ trước khi lên tám, và khi chưa thành niên thì đã là đồng sở hữu một tòa chung cư 52 căn hộ. Một thanh niên được cha dày công xây cho hình tượng “tỷ phú tự thân”, tự hào dẫn phóng viên đi khắp thành phố khoe về tất cả các công trình và gia sản (mọi thứ đều từ người cha) để marketing cho bản thân mình. Một người mà mọi dự án kinh doanh thất bại đều được cha ra tay cứu vớt trong âm thầm và bí mật, để rồi vẫn lớn tiếng ra sách dạy người khác “nghệ thuật làm giàu”. Một người bất chấp thủ đoạn tìm mọi cách hoán cải di chúc của cha để thao túng toàn bộ sản nghiệp, khiến người cha vào những phút cuối đời vẫn phải gắng gượng tìm cách chống lại “âm mưu đảo chính” này.

Kiểu người này không hề xa lạ trong xã hội Việt Nam. Chúng ta gọi họ là các “cậu ấm”, hoặc hay ho hơn là danh xưng “công tử Bạc Liêu”.

Trump đích thị là một công tử Bạc Liêu thời hiện đại.

Chuyện đó có vấn đề gì không? 

Với nhiều người, nó chẳng có vấn đề gì, mà ngược lại, còn là chỉ dấu để thu hút họ. Đứng về phe của những người giàu có, quyền lực, chẳng phải luôn là lựa chọn khôn ngoan nhất từ xưa đến nay sao? Chuyện họ giàu và có quyền ra sao thì liên quan gì! Miễn có lợi cho mình thì cứ theo thôi!

Khi những người như Trump được trao cho quyền lực chính trị, máu công tử Bạc Liêu được thỏa sức vùng vẫy.

Với những người ngậm thìa vàng trong miệng từ nhỏ đó, có gì để mất và có gì phải sợ? Có thứ gì họ nghĩ mình không làm được? Có thứ gì mà họ không dám hứa?

Đập bỏ hệ thống. Xây bức tường to nhất. Biến nước Mỹ thành vĩ đại nhất. Buộc Trung Quốc phải cúi đầu. Đến con virus cũng phải biến mất.

Công tử Bạc Liêu, quyền lực chính trị và sự chán nản tuyệt vọng của dân chúng – tất cả là nguyên liệu tuyệt vời cho ra đời những nồi lẩu như Trump.

oOo

Chiêu bài chống Trung cộng giúp Trump thu hút được sự ủng hộ nhiệt thành từ những người Đài Loan, Hong Kong và người Hoa ở nước ngoài. Vậy nên không có gì khó hiểu khi nó cũng là tác nhân khiến đông đảo người Việt quần tụ dưới ngọn cờ Trump.

Chưa có khảo sát nào dành cho người dân Việt, nhưng chắc chắn mức độ ủng hộ của người Việt Nam trong nước dành cho Trump phải ở tỷ lệ áp đảo.

Sự tuyệt vọng và mong muốn thay đổi của người Việt không chỉ đến từ mối họa Trung Quốc. Nó còn đến từ chính thể chế độc tài cộng sản đã và đang đè đầu cưỡi cổ dân Việt suốt hàng chục năm qua.

So với những nước khác, người Việt Nam như sống trong ách một cổ hai tròng – vừa bị độc tài trong nước áp bức, vừa bị ngoại bang hà hiếp.

Đừng hỏi lối ra nào cho họ. Bất kỳ chỗ nào trên bốn bức tường, chỉ cần có một hình vẽ nhợt nhạt mang dáng dấp cánh cửa, họ cũng đều sẽ lao vào đục tường tìm cách phá ra.

Đối với nhiều người Việt Nam, chiếc cổ hai tròng này là một thứ bi kịch song trùng. Rõ ràng nhất là việc bị đè nén áp bức từ bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng có thứ bi kịch lẳng lặng hơn: sức hút từ lỗ đen của những ảo tưởng, thành kiến, cực đoan và tuyệt vọng. 

Trong cái lỗ đen thăm thẳm đó, mọi vấn đề trên đời này đều là lỗi của kẻ khác, hoặc Việt cộng, hoặc Tàu cộng, hoặc bất kỳ ai, miễn không phải là mình. Trốn, hoặc bị đẩy vào trong cái hố đen đó, mọi trách nhiệm và quyền lực của họ đối với cuộc đời mình đều biến mất. Chỉ còn chờ những vị cứu tinh.

Đối với những ai trông chờ vào thần Trump, bi kịch lớn nhất tất nhiên là việc Trump thất cử. Thay vì có cơ hội tỉnh mộng, họ sẽ nguyền rủa những thế lực đã “hãm hại” vị cứu tinh, tiếc nuối cho một tương lai vĩ đại không tồn tại, và dành phần còn lại của cuộc đời tiếp tục tìm kiếm những cứu tinh mới.

Chỉ mới cách đây không lâu, người Việt vẫn còn trông chờ vào một cứu tinh khác, với cái tên Barack Obama. Năm 2016, khi tổng thống Mỹ Obama thăm chính thức Việt Nam, hàng ngàn người đã đổ ra đường gào thét tên ông.

Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh một người phụ nữ trung niên nức nở trên truyền hình “I love you Obama”. Trong đầu tôi khi đó nảy ra vô số thắc mắc. Liệu người phụ nữ đó có biết các chính sách, đối nội lẫn đối ngoại, mà Obama đã thi hành trong hai nhiệm kỳ tổng thống? Liệu bà có tìm hiểu về các cuộc chiến, chìm và nổi, mà nước Mỹ khi đó vẫn đang tham gia, thậm chí là tạo ra? Hay những người vẫy gọi Obama vào lúc đó liệu có hiểu tiếng Anh và đủ kiên nhẫn để nghe hết một lần ông nói chuyện để ít nhất biết con người này nghĩ gì?

Tất nhiên tôi giữ tất cả những thắc mắc này cho riêng mình. Chỉ nội việc có những câu hỏi đó thôi cũng đủ để được ghép tội kệch cỡm, xem thường người khác. Người phụ nữ trung niên đó, cùng những người thét gào gọi tên Obama vào ngày ấy, hoàn toàn có thể có hiểu biết sâu sắc về tình hình thế giới nói chung và nền chính trị của nước Mỹ nói riêng, hơn xa một kẻ luôn chỉ tập tẽm tìm hiểu mọi thứ như tôi.

Mà ngay cả khi không có thời gian tìm hiểu, điều đó cũng chẳng hề ngăn cấm họ có cảm xúc yêu thích người khác, nhất là khi đấy lại được xem là người đàn ông quyền lực nhất hành tinh.

Sự việc trên diễn ra chỉ mới cách đây bốn năm, nhưng với những ai còn sống đến năm 2020 này, nếu còn lưu giữ đoạn ký ức đó, họ phải có cảm giác thời gian đã nhảy cóc đến vài thế hệ. 

Giờ đây so với Donald Trump, mọi thứ của Barack Obama làm đều là tồi tệ, thậm chí là tội lỗi (vì đã “thông đồng”, “nhu nhược”, “bắt tay” với Trung cộng).

Không khó hình dung vài năm sau, những người Việt yêu Trump sẽ nghĩ gì về ông khi lại có một cứu tinh mới xuất hiện.

***

Tôi không phải là một người ủng hộ Donald Trump, đơn giản vì xưa nay tôi không có nhu cầu đặt niềm tin vào kẻ khác, nhất là càng không bao giờ tin tưởng những cậu ấm nói dối như cuội.

Nhưng tôi hoàn toàn hiểu được lý do những người ủng hộ Trump, khi bản thân họ hoặc người thân là nạn nhân bị chế độ độc tài bức hại. Trong hoàn cảnh của họ, còn có lựa chọn nào khác?

Những ai muốn chỉ trích họ, có lẽ nên dừng lại một chút để tự soi gương. Chúng ta đã làm được gì để giúp những con người phải chịu bất công đó?

Với những ai không phải là nạn nhân trực tiếp của bạo quyền, tôi có ít hứng thú thông cảm hơn. Việc họ lựa chọn ủng hộ những cậu ấm vô đạo đức như Trump chỉ đơn giản là một cách thoái thác trách nhiệm bản thân.

Họ đẩy sự bất lực của mình cho những thế lực kém-xấu-xa-hơn, hy vọng nó làm giúp mình trong việc chống lại cái-xấu-xa-nhất.

Tất nhiên đấy là những người vẫn còn ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với số phận của những nạn nhân chịu bất công, bị áp bức. Không ít người hùa theo Trump chỉ đơn giản vì sở thích cá nhân, vì một niềm tin tôn giáo mù mờ nào đó, hay chỉ vì nó có lợi cho mình. Họ không cảm thấy một gram trách nhiệm nào đối với sự bất công và không may của đồng loại. Những kẻ đó không xứng đáng được dành thời gian quan tâm.

Nếu bạn là người ủng hộ Biden, điều đó cũng không giúp bạn có tư cách gì hơn để chỉ trích những người Việt Nam trong nước ủng hộ Trump.

Sự thật là, bạn cũng như tôi, chúng ta vẫn chưa làm được gì trong việc bảo vệ những người bị áp bức.

Nói thẳng ra, bất kể ai làm tổng thống Mỹ, ngày nào còn dựa dẫm vào thế lực bên ngoài để cứu giúp bản thân, ngày đó chúng ta vẫn còn là những kẻ thất bại.

Chỉ khi nào soi gương và nhìn thấy gương mặt của chính mình, thay vì của một đấng cứu tinh nào đó, chúng ta mới có tư cách nói với người khác về một sự thay đổi thật sự.

Như một chân lý xưa nay, quả trứng nếu bị vỡ do tác động từ bên ngoài, sinh mạng bên trong của nó sẽ kết thúc. Nếu bị phá vỡ do lực từ bên trong, sự sống của nó mới bắt đầu.

Những thứ tốt đẹp nhất luôn khởi sinh từ bên trong mỗi người.

Y Chan

Giỗ Thầy Mùa Đại Dịch

Thành kính tưởng niệm các Cố Giáo Sư Học Viện QGHC/VNCH và các Cố Đồng Môn CSV/QGHC/VNCH.

Kính tặng Anh Lê Văn Thái, Hội Trưởng Hội CSV/QGHC/NSW Úc Châu và Quý Đồng Môn QGHC tại Tiểu Bang New South Wales và tại Úc Châu

Giỗ Thầy trong Mùa Đại Dịch!
Hằng năm, lời Thông Tri về tưởng niệm Thầy Cô như tiếng Hịch ra quân!
Các học trò Quốc Gia Hành Chánh hăng hái, háo hức mỗi người “lãnh” một phần!
Nào gởi Thư Mời, thuê Hội Trường, nào dựng Bàn Thờ, mượn trống chiêng nhiều tuần trước lễ!

Thái chạy “cong đuôi” bưng bát đĩa!
Hùng lo “xót ruột” soạn thơ văn!

Đại Gia Đình Hành Chánh cùng giúp nhau vượt mọi khó khăn
Cố làm sao cho tươm tất, đàng hoàng để linh hồn các Ân Sư cùng đăng đàn chứng giám!

Tiếng trống oai hùng nhịp bước Thầy Cô về Úc Châu thông cảm!
Giọng chiêng vang rền tiếng lòng của các cố đồng môn như sấm động non sông
Ra trường tận tụy đời Công Chức Quốc Gia chống Cộng, hy sinh cho nước Viêt Lạc Hồng!
Xin Chư Vị anh hồn linh thiêng lên Lễ Đài nhận tấm lòng biết ơn, kính ngưỡng!

Năm nay Đại Dịch làm sai hướng!
Tháng Một Ơn Thầy niệm tại tâm!

Thầy Cô chắc vẫn quang lâm
Đồng Môn cám cảnh đã châm chước rồi!
“Cô Rô” sẽ tuyệt nhanh thôi
Giỗ Thầy kỳ tới chè xôi linh đình!
Áo Dài, Áo Gấm thật xinh!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 08/11/2020

Giai nhân và thiền sư

Đầu xuân một cô gái trẻ ăn mạc thiếu vải lên chùa, cười hỏi một Đại đức:
– Thầy thấy tôi ăn mặc thế nào?
Vị tăng trẻ lúng túng:
– Ờ… thì… hở hang… không nghiêm túc kín đáo…
Cô gái đưa tay vuốt mái tóc, ưỡn bộ ngực căng tròn sức sống, thản nhiên nói:
– Thầy tu hành mà còn chấp quá! Tâm của thầy còn động lắm. Lục căn của thầy chưa được tinh tấn, vẫn còn vướng điều phàm tục. Tốt hơn hết, thầy nên đóng cửa nhập thất để khỏi nhìn thấy những điều bất thanh bất tịnh ở phụ nữ đàn bà.

Vị tăng trẻ xanh mặt, cúi đầu, mắt nhìn chăm chăm xuống đất, bước đi lẫn vào đám đông Phật tử ngược xuôi ngoài sân… Cô gái cười nửa miệng, quay sang hỏi anh Huynh trưởng:
– Anh có vui lòng chỉ cho tôi tịnh thất của vị Sư Trụ trì không? Tôi đang rất muốn được vào vấn an Ngài, và thỉnh giáo đôi điều…
Anh Huynh trưởng nhíu mày nghĩ ngợi, tặc lưỡi:
– Dẫn chị vào tịnh thất của Thầy Trụ trì thì thật là không nên chút nào… Nhưng, có lẽ phải làm điều dại dột này, vì chắc tình huống oái oăm khó xử như bây giờ, chỉ có Thầy mới đủ đạo lực khai tâm điểm đạo cho chị thấy được phải trái!

Nói rồi, anh ta mời cô gái đi theo mình, băng qua đám đông, vào phía dãy nhà sau chính điện. Anh ta dừng lại trước cửa một căn phòng, quay sang nói với cô gái:
– Chị vui lòng đứng chờ ở đây một lát, để tôi vào cáo bạch với Thầy trước, khi nào thầy đồng ý tiếp khách, tôi sẽ ra mời chị vào. Được chứ?
– OK!
Anh huynh trưởng nhún vai ngán ngẩm, đưa tay gõ cửa ba cái. Bên trong có tiếng vọng ra:
“Ai? Cần gì?”.
Anh Huynh trưởng cao giọng:
– Bạch thầy, con là Tâm Tịnh, Huynh trưởng gia đình Phật tử, có việc rất hệ trọng cần cáo bạch với Thầy ạ!
Bên trong phòng vang lên giọng sang sảng:
– Tâm Tịnh đó ư? Vào đi, cửa không khoá!
Anh huynh trưởng mở cửa, bước nhanh vào trong và đóng lẹ cánh cửa lại.
Cô gái đứng tủm tỉm cười, chờ đợi với vẻ háo hức… Chừng mười phút sau, cửa mở, anh Huynh trưởng bước ra, nói:
– Chị được phép vào. Nhớ giữ ý giữ tứ một chút nhé
.

Cô gái cười khẩy, bước vào phòng. Một vị tăng tuổi hơn lục tuần đang ngồi trên chiếc phản mun đen bóng trong tư thế kiết già, ánh mắt sáng rực rọi chiếu thẳng vào mặt vị khách mới vào.
Cô gái chấp tay xá ba cái, thưa:
– Bạch thầy, con có thắc mắc xin Thầy điểm giáo…
– Thí chủ cứ hỏi.
– Bạch thầy, con ăn mặc như thế này, vào chùa lễ Phật bái Tăng, lại bị mọi người chê trách chỉ trích, bị Tăng phê bình bắt lỗi, xin hỏi thầy ai đúng ai sai ?
– Ai cũng đúng. – Ai cũng sai.
– Bạch Thầy, người phàm cố chấp đã đành, nhưng người đã xuất gia tu hành mà vướng mắc những chuyện lễ nghi giáo điều để đi bắt bẻ con, xin hỏi Thầy là đúng hay sai ?
– Vừa sai, vừa đúng!
– Sao là sai ? Sao là đúng?
– Sai, vì tu hành mà chấp nhặt những điều nhỏ nhặt. – Đúng, vì giữ gìn thanh tịnh cho chốn già lam tôn nghiêm, đó là bổn phận, là nhiệm vụ phụng sự Tam Bảo, hoằng dương Chính Pháp!
– Con từng nghe kể rằng, ngọn phướn trước chùa phấp phới bay, thật ra phướn không bay mà gió bay, nhưng thật ra gió chẳng động mà do Tâm của con người đang động (1) Phải vậy chăng thầy?
– Thật hay! Thật hay!
– Vậy, theo Thầy thì con ăn mặc ra sao?
– Bình thường.
– Đáng trách hay đáng khen ạ?
– Hợp thời trang. Hiện đại. Gọn gàng. Tiết kiệm. Nếu người mặc không hề thấy ngượng nghịu, không chút gượng gạo, không phải âu lo, thong dong khứ đáo xuất nhập như rồng đạp mây, thì thật là đáng khen ngợi. Nếu mặc vào mà luôn thấy bị gò bó, thấy như bị mang của nợ, mang xích xiềng, không thoải mái khi đi đứng nằm ngồi thì thật là đáng thương, tội nghiệp, chứ không đáng trách !
Cô gái cười khanh khách ra điều thích thú.
Sư trụ trì bật cười ha hả, tiếng cười tự tại vang động như đã rung chuyển cả giàn ngói rong rêu của tịnh thất.
Rồi im lặng như tờ.
Cô gái cất tiếng:
– Thầy thật cao thâm, vững như bàn thạch!
– Có phải đó là mục đích chính của cô khi ghé thăm bổn tự?
– …..?
– Im lặng, tức đã thú nhận. Cô mang một chút am hiểu giáo lý nhà Phật, một chút kiến thức cơ bản về sự Tĩnh/Động, cố tâm cố ý vào chùa để thử thách cái Tâm Đạo của Tăng Ni Giáo Đồ. Sự cố ý làm cho người khác chao đảo đấy là ác tâm, chính là động rồi đó!
– Bạch thầy, quả đúng là con động. Nhưng đâu phải thấy người động mà mình phải động theo, phải vậy không thầy?
– Phải nhớ quanh cô đều là những chúng sinh đang tu, còn tu, chứ chưa có ai đắc đạo, chưa ai giải thoát được mình!
– Chỉ có Thầy là tĩnh thôi sao?
– Vì đây là tịnh thất. Tâm người phải tĩnh, phải tịnh.
– Thầy không trách con về chuyện ăn mặc này thật sao?
– Không trách, mà còn khen. Áo quần chỉ là ngoại vật. Chúng vô tri vô giác, không tội tình gì. Chúng là vật ngoại thân, không phải là một bộ phận của thân thể con người… Và thân thể con người cũng chỉ là giả tạm… Chỉ là đất, nước, gió, lửa hội tụ tạo nên. Thân xác này còn là thứ bên ngoài, huống chi là quần với áo, xiêm với y ?
– Chỉ cái Tâm bên trong mới là quan trọng ?
– Tĩnh động đều từ nơi ấy. Cho nên, nếu cô đã có gan ăn mặc hở hang thiếu thốn vải vóc để vào cửa Thiền, thì hãy phát huy thêm bản lĩnh mà trút bỏ hết xiêm y giả tạm ra khỏi tấm thân giả tạm ngay nơi đây đi!
– …..?.
– Trút bỏ hết đi – Sư trụ trì quát lên.
Cô gái giật bắn mình, vội quỳ mọp xuống, đầu dập đất mấy cái.
Sư lại quát:
– Trút hết. Rồi đi ra ngoài, dạo một vòng vãn cảnh, mau đi!
– Bạch thầy… con không dám. Con không dám. Con xin dập đầu tạ tội. Đội ơn Thầy đã khai tâm điểm đạo!
Anh Huynh trưởng đứng chờ ngoài hành lang với ruột nóng gan sôi, cứ như đang đứng trên tổ kiến bồ nhọt… Và rồi, cánh cửa Tịnh thất đã mở toang.
Cô gái lạ lùng bước ra ngoài với vẻ mặt rạng rỡ tươi vui. Cô gái cười chào anh Huynh trưởng, bước thoăn thoắt hướng về phía chính điện.
Anh Huynh trưởng lè lưỡi, bước nhón chân lại khép cánh cửa tịnh thất thật nhẹ nhàng. Rồi anh chấp tay xá ba cái về phía bên trong cánh cửa vô tri, nói:
– Quả đúng là chỉ có Thầy mới trị được quỷ sứ ma vương!

1/ Câu chuyện Gió động, Phướn động hay Tâm động là chuyện thật xảy ra trong thời hoằng pháp của Lục Tổ Huệ Năng. Quý anh chị có thể search trong Google để đọc câu chuyện lý thú này.

 

 

 

 

Phòng ngừa mất trí nhớ

Để phòng ngừa mất trí nhớ, trước hết, bạn phải có một chế độ ăn uống cân bằng, điều độ, nhiều rau trái, tập thể dục đều đặn, như đi bộ 3 tới 5 giờ mỗi tuần, và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Ngủ đêm không đủ vì mất ngủ, thì tranh thủ ngủ ngày! Những người ngủ đầy đủ, và có ngủ trưa thường sống lâu và ít bị mất trí nhớ. 
                                        (click ngay ảnh sẽ có ảnh to và rỏ)
Có nhiều phương pháp để phòng ngừa mất trí nhớ ở người già:
1. Học khiêu vũ.
        Ta nói nôm na là tập… “nhảy đầm”. Nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine từ năm 2003 cho biết khiêu vũ vừa là một môn thể dục thể thao, vừa là một trò chơi đòi hỏi suy nghĩ, tiến thoái trong mỗi bước. Khi khiêu vũ, lượng máu không những chỉ dồn về bắp thịt mà còn đổ về phía não bộ nhiều hơn vì khiêu vũ đòi hỏi cả thể lực lẫn trí tuệ: “body and mind”.
2. Học chơi một thứ nhạc cụ hoặc nghe nhạc.
       Nhiều nghiên cứu cho thấy người chơi nhạc cụ trên 10 năm sẽ có trí nhớ tốt hơn một người không chơi nhạc. Trong trường hợp bạn không có đủ thời giờ hay năng khiếu âm nhạc, nên tập nghe và thưởng thức âm nhạc. 
3. Học một ngôn ngữ khác..
      Một nghiên cứu đăng trên tờ Neurology năm 2013 cho biết những người nói thông thạo hai thứ tiếng, khả năng bị mất trí nhớ chậm đi 4 năm rưỡi so với người chỉ biết một thứ tiếng.
4. Học đánh cờ, hay chơi video game.
        Một nhiên cứu của Pháp năm 2013 cho thấy những ai chơi cờ, hay chơi các loại game như bingo, xì lát, poker… ( nhưng đừng ghiền quá, và cũng tránh “ngồi computer” hay TV nhiều nhé ), khả năng bị mất trí nhớ giảm đi 15%. HIện nay có rất nhiều Games giúp vận động trí não có thể download free cho các máy computer: desk top, laptop; tablet và mobile phone.
5. Đọc sách, nghe truyện.
        Không cần phải đọc nhiều, nhưng khi đọc sách nên bỏ thì giờ suy nghĩ, nghiền ngẫm nội dung của sách, truyện. Đọc truyện mới lạ có lợi hơn là đọc chuyện cũ. Đừng đọc Thiên Long Bát Bộ hay Tam Quốc Chí đến lần thứ 10!.
Trên Internet có nhiều website cho phép chúng ta đọc sách free hay nghe truyện free “MP3” nhơ trang web phòng audio Tám Tình Tang: https://tamtinhtang.blogspot.com/
6. Chú tâm, làm một việc cho xong, đừng ôm đồm nhiều thứ vô một:
        Người chú tâm làm xong một việc ít bị lãng trí hay mất trí nhớ hơn người làm hai ba việc cùng một lúc. Thí dụ khi ăn thì đừng xem TV! Ngoài ra nên biết dùng thời giờ một cách hữu hiệu. Đừng ngồi nhìn thời gian bay qua cửa sổ! Nên tìm chuyện mà làm.
7. Học đan hay may vá, hay làm vườn
       Khảo sát thống kê năm 2013 cho biết những người có những thú vui kể trên, trí óc minh mẫn hơn những người không có “thú vui ” để tiêu khiển. Làm vườn, bonsai có lợi cho sức khoẻ và não bộ.
8. Lối sống:
     Sống có mục đích, lạc quan, yêu đời và có giao thiệp với bạn bè người thân làm giảm tình trạng cô độc, sầu muộn. Kết bạn, thăm viếng bạn già, trao đổi emails, liên lạc nhau qua Facebook v.v.
9. Tập viết.
        Viết văn, viết truyện, làm thơ cho bạn bè, viết nhật ký, viết hồi ký… làm giảm khả năng mất trí nhớ về sau.
10. Cuối cùng tập làm… việc nhà, như rửa chén bằng tay chẳng hạn.
        Những người làm lụng chân tay việc trong nhà ít bị mất trí nhớ hơn người ngồi một chỗ xem TV hay nhìn “bóng câu qua khung cửa sổ”.
Tất cả các hoạt động trên đây nên bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ ở lứa tuổi nào. Không nên đợi tới 60, 70 mới lo ngăn ngừa mất trí nhớ! Cuối năm, (chúng ta có hai lần cuối năm, Dương lịch và Âm lịch) là dịp để chúng ta lập ra những kế hoạch cho sức khoẻ trong năm tới, và cho tương lai.
                                   Bác sĩ Hồ Ngọc Minh.