Kinh Tế Trung Cộng và Cuộc Hạ Cánh Khó Khăn.

Daniel H. Rosen, Source: “Xi Is Running Out of Time, China’s Economy Heads for a Hard Landing” Foreign Afairs
Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Các nhà quan sát nên lo ngại về nền kinh tế của Trung Cộng như thế nào? Vào giữa mùa hè gần đây, câu hỏi đó dường như chỉ là vấn đề của giới nghiên cứu học thuật trong dài hạn. Vào những tháng gần đây, các nhà quan sát vốn đã lo ngại lại càng nản chí thêm khi bất kỳ lúc nào Bắc Kinh tung ra những biện pháp kiểm soát các công ty vốn được coi là tiên phong của “những ngành kỹ nghệ mặt trời mọc” mà Trung Cộng từng ca ngợi như là câu trả lời cho khả năng cạnh tranh, tăng trưởng và nhân dụng trong tương lai. Trước những mối hoài nghi về sự khôn ngoan trong việc thi hành chính sách, các doanh nhân trong lĩnh vực tư của Trung Cộng đã tranh nhau biểu lộ lòng trung thành với lãnh tụ của họ thay vì phàn nàn, nhiều nhà đầu tư ngoại quốc đã gạt ngang qua mối lo lắng này và cho rằng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) biết họ đang làm những gì và nên tin tưởng vào họ.

Như đã viết trên tờ Foreign Affairs vào mùa hè vừa qua, tôi lưu ý rằng Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình dường như tin rằng ông ta còn có “một thập niên nữa để thử nghiệm mô hình kinh tế đất nước”. Trên thực tế, như tôi đã nêu ra, “nhiều nhất là chỉ còn một vài năm nữa để hành động trước khi mực tăng trưởng cạn kiệt. Nếu các lãnh tụ của Trung Cộng chờ đợi cho đến phút cuối thì sẽ quá muộn ”. Những sự kiện trong các tháng qua cho thấy thời gian càng đang rút ngắn lại. Các nhà phát triển bất động sản lớn và nhỏ sắp mất khả năng thanh toán các món nợ của họ, cho thấy những rủi ro của hệ thống nếu cứ nhắm mắt trước việc đầu tư bất động sản một cách vô kỷ luật, và khiến cho mối lo ngại tràn qua thị trường trái phiếu trong nội địa và ở hải ngoại, nơi các nhà đầu tư đã cho các công ty này và các công ty nợ nần của các ngành kỹ nghệ khác vay mượn. Đã có sự thay đổi trong việc nhận thức về khả năng miễn nhiễm của nền kinh tế Trung Cộng trước những nguy cơ do đi chệch hướng đường lối cải cách của thị trường, và mối lo ngại ngày càng tăng vì Đảng CSTQ đã bỏ lỡ cơ hội để tránh một cuộc hạ cánh nghiêm trọng.

Image – Reddit

NỖI BUỒN MÙA HẠ

Mọi sự kiện bắt đầu được phơi bày vào tháng 7, khi Bắc Kinh mở đầu cuộc đàn áp đối với một loạt các công ty kỹ thuật. Vào đầu năm nay, Học viện Nghiên cứu Không gian Mạng của Trung Cộng đã cổ vũ cho “ một động lực mới bằng cách thông tin hóa để thúc đẩy sự phát triển mới” – với luận điệu cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước sẽ giúp cho mực tăng trưởng liên tục trong các lĩnh vực kỹ thuật cao. Đây là những phần năng động của nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tài chính nội địa và hải ngoại. Tuy nhiên, bất thình lình họ đã không còn được ưa chuộng nữa. Các kỹ thuật mới đã thành công trong việc tạo ra lợi thế so sánh cho các doanh nhân, dẫn đến lợi nhuận và sức mạnh thị trường. Nhưng điều đó dẫn đến hai vấn đề. Thứ nhất, sức mạnh thị trường của các công ty kỹ thuật tạo ra sự giàu có cho một số người nhưng góp phần làm gia tăng khoảng cách biệt về lợi tức và giàu nghèo. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo ĐCSTQ, người khai sáng của chủ trương “cải cách và mở cửa” của Trung Cộng vào cuối những năm 1970, đã cảnh báo rằng “ trước tiên, một số người cần trở nên giàu có ”. Nhưng mức độ to lớn của sự cách biệt đã bắt đầu đe dọa đến sự ổn định của xã hội.

Vấn đề thứ hai có tính thuyết phục hơn là ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty tư nhân này có tác động làm giảm quyền lực của nhà nước và Đảng CSTQ. Lập luận rằng “ nền thịnh vượng chung” đòi hỏi chính phủ phải đặt ra nhiều quy luật hơn và nền an ninh quốc gia buộc Bắc Kinh phải áp đặt quyền kiểm soát đối với những công ty kinh doanh khổng lồ mới này, các giới thẩm quyền đã can dự nhằm thay đổi luật lệ, tuyên bố rằng trong tương lai, sự giáo dục với mục đích lợi nhuận bị coi là vượt quá giới hạn, Các đợt phát hành cổ phiếu của công ty lần đầu tiên cho công chúng ở hải ngoại cần có sự chấp thuận về chính trị và việc đầu tư ở ngoại quốc trong nhiều lĩnh vực sẽ bị hạn chế. Mặc dù có hợp lý hay không, cách thức mà Đảng CSTQ thay đổi toàn cảnh pháp luật đối với ngành thương mại điện tử số (e-commerce) , việc đi chung xe (ridesharing) , chơi game và nhiều lĩnh vực khác đã cắt giảm định giá cổ phiếu tổng gộp của các công ty ước tính khoảng từ 1,5 nghìn tỷ đến 3,0 nghìn tỷ USD.

Vào tháng 8, một trụ cột quan trọng hơn của nền kinh tế Trung Cộng bắt đầu rạn nứt. Bắc Kinh đã chờ đợi quá lâu mới giải quyết tình trạng bong bóng của giá trị và khối lượng xây dựng bất động sản trên toàn quốc. Nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Cộng , Evergrande, đã bị xuống hạng mức tín dụng khi họ phải vất vả để trả các món nợ. Ngoài việc làm cho các chủ nợ thất vọng, công ty còn không thể hoàn trả số tiền vay mượn từ chính nhân viên của mình, thanh toán cho các nhà cung cấp hoặc hoàn tất việc xây dựng các căn nhà mà họ đã bán trước cho khách hàng. Điều này đưa đến các cuộc biểu tình phản đối và căng thẳng trong xã hội, khiến ảnh hưởng đến các công ty có mức nợ cao khác, và những người mua bất động sản đã lưu ý rằng : Số liệu của tháng 9 cho thấy việc mua bán bất động sản toàn quốc tồi tệ nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ năm 2014 và có thể ngay cả từ trước đến nay. Kết quả là doanh số bán đất trên toàn quốc sút giảm làm mất đi nguồn thu chính của chính quyền địa phương, và do đó, họ cũng có nguy cơ bị vỡ nợ trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp bán công mà họ kiểm soát, gây ra hậu quả tiềm tàng cho hàng trăm ngân hàng thương mại của các thành phố nhỏ đã cho các công ty này vay mượn.

Và rồi vào tháng 9 bắt đầu cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng. Một lý do là vì Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Cộng (NDRC) yêu cầu các công ty tiện ích cung cấp cho khách hàng theo một mức giá cố định mặc dù họ phải đối mặt với mực giá biến đổi của loại than mà họ cần để sản xuất điện. (Bắc Kinh vừa khẩn cấp ban hành sự uyển chuyển về các quy định này.) Việc xem thường thực tế đơn giản của cơ chế thị trường này đã khiến nhiều công ty tiện ích phải ngưng sản xuất hơn là chịu mức thua lỗ chồng chất và gia nhập danh sách của các doanh nghiệp Trung Cộng bị phá sản. Tiếp theo sau là những sai lầm khác của chính sách năng lượng. Vào tháng 9, NDRC đã ban hành một hướng dẫn cho các quan chức cấp tỉnh về việc đánh giá nhân sự của họ sẽ chủ yếu phụ thuộc vào cách họ đạt được các mục tiêu tiêu thụ năng lượng chính thức. Trước áp lực và thiếu các giải pháp tức thời để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nhiều quan chức đã ra lệnh đóng cửa các doanh nghiệp để giảm nhu cầu sử dụng điện. Tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến sản lượng công nghiệp giảm sút, ngay cả trong các ngành xuất khẩu đang phát triển mạnh, vốn là điểm sáng chính yếu của nền kinh tế Trung Cộng hiện nay, bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh và xe hơi. Trong suốt tháng 9, ngay cả dân cư ở những khu giàu có nhất ở Trung Cộng như Bắc Kinh cũng trải qua tình trạng mất điện liên tục. Các ước tính về mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và 2022, theo đó, đã bị giảm sút.

Những gián đoạn về kinh tế này khiến gia tăng mức cảnh giác chung về triển vọng (kinh tế) của Trung Cộng . Các nhà mua bán trái phiếu hiện đã gồm trong sự tính toán yếu tố rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng do các công ty bất động sản Trung Cộng gây ra và tranh luận xem liệu có nên lánh xa các lĩnh vực khác của nền kinh tế hay không. Các nhà phân tích tài chính đang tự kiểm duyệt các nghiên cứu của họ vì e làm mất lòng các quan chức vì phải mô tả một tình trạng trung thực nhưng bi quan; điều này đưa đến sự hoài nghi và bất ổn định trên thị trường. Các gia đình ở Trung Cộng thận trọng hơn trong việc chi tiêu vì sự bất trắc do đại dịch COVID-19 gây ra nhưng cũng vì họ lo ngại rằng trị giá tài sản thuần của họ có thể giảm sút mạnh nếu bất động sản bị xuống giá. Vào tháng 10, các chi tiêu về du lịch và đi lại trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh thấp hơn mức ảm đạm vào năm 2020 — nghĩa là, thấp hơn so với giai đoạn trước khi có thuốc chủng ngừa đại dịch.. Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương và các giới chức ở ngoài Trung Cộng đã nêu lên sự quan ngại về khả năng của Bắc Kinh trong việc đối phó với tình hình tài chính và tiềm năng tác động của các hệ lụy. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã công khai bày tỏ hy vọng rằng Trung Cộng sẽ đối phó tình hình “một cách có trách nhiệm.” Mức độ khả tín mà Đảng CSTQ đã tạo dựng một cách khó khăn về chính sách kinh tế đang bị xoi mòn bởi những tin tức dồn dập có tính tiêu cực về kinh tế.

CÂU HỎI VỀ MỨC ĐỘ KHẢ TÍN

Từ lâư các nhà quan sát đã quan ngại về nền kinh tế Trung Cộng nhưng lại càng lo âu hơn về những điều có thể xảy ra ở tương lai. Một cách khái quát, những quan điểm lạc quan về khả năng duy trì mức tăng trưởng của Bắc Kinh được công nhận là thắng thế so với những mối lo ngại trong ngắn hạn. Lẽ ra niềm tin đó sẽ giúp Trung Cộng có đủ thời gian để thực hiện những cải cách khó khăn: tăng cường hiệu quả của việc phân phối vốn tư bản, bảo đảm tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ, phi chính trị hóa trong việc quản trị doanh nghiệp và xác định sự chuyển đổi dần dần thành một nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Thay vào đó, những nỗ lực cải cách này bị ngưng trệ và đảo ngược sau khi các nhà lãnh đạo nhận thấy rõ những hậu quả tiềm tàng của việc cải cách. Sau nhiều thất bại trong nỗ lực cải cách, các nhà đầu tư và các chính phủ chỉ có một giới hạn nào đó về mức thời gian trong việc đặt niềm tin của họ vào hướng đi của Trung Cộng.

Do đó, suy thoái kinh tế nghiêm trọng đã trở thành mối lo âu trong ngắn hạn chứ không phải dài hạn.Và gần đây nhất, những phản ứng trước các mối đe dọa ngày càng tăng không phải là một bước đổi mới: các biện pháp của Đảng CSTQ trong vài tháng qua bao gồm các chiến dịch chính trị thay vì thừa nhận đất nước đang cần các cải cách tài chính và kỹ thuật để hồi phục hiệu quả của nền kinh tế. Các vấn đề về cấu trúc đã chỉ rõ sai lầm trong việc trì hoãn các cải cách của thị trường. Một lần nữa, sự hứa hẹn về các giải pháp “phi thị trường” (nonmarket) (1) chỉ là hão huyền.

DANIEL H. ROSEN là thành viên sáng lập của Tập đoàn Rhodium và điều hành hoạt động của công ty tại Châu Á

(1) Chú thích của người dịch: ​Phi thị trường là các yếu tố từ bên ngoài hệ thống thị trường. Chúng bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức và điều chỉnh nhằm tạo trật tự cho thị trường như kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, để chúng có thể hoạt động hiệu quả .

Leave a comment