Tấm Lòng Với Dân Tộc

Dân tộc Việt Nam quần tụ trên bán đảo Đông Dương trải qua nhiều ngàn năm với đầy đủ những yếu tố cơ hữu: nòi giống, ngôn ngữ, văn hoá…Địa bàn sinh sống là một hành lang thuận lợi của vùng Đông Nam Á và Đông Á, nơi có sự giao lưu qua lại của con người và sự sống trên địa cầu từ thời tiền sử, theo các chiều Nam-Bắc, Tây-Đông, lục địa và đại dương.

Sự cạnh tranh quyết liệt của các siêu cường hiện nay tập trung mọi phương tiện, mọi chiến pháp nhằm chiếm đoạt khu vực, giữ ưu thế thượng phong đánh bại địch thủ. Sự sống còn của dân tộc Việt Nam và các dân tộc láng giềng đang đứng trước những thử thách vô cùng cam go…

Tuổi thanh xuân của nam nữ Việt Nam dù bất cứ nơi đâu, đang hòa mình vươn lên trong xã hội, dành ra những khoảnh khắc nghĩ đến nguồn cội Dân Tộc mình, sự sống còn cuả Dân Tộc mình, sẽ cảm nhận những rung động thiêng liêng, cao quý. Từ đấy, họ sẽ có chung những ước mơ vị tha, vị quốc, là cơ hội vượt qua những dị biệt danh lợi nhỏ mọn, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của một đời Người, trong đó có Lẽ Sinh Tồn của Dân Tộc.

Đạo Lý Sinh Tồn

Dân Tộc Sinh Tồn, một hệ thống tư tưởng triết học và chính trị xuất phát từ văn kiện Lược giải, Đại ý Dân Tộc Sinh Tồn Chủ Nghĩa do Đảng Trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng Trương Tử Anh công bố tháng 12 năm 1938. Trải qua thời gian, các lý thuyết gia Đại Việt Quốc Dân Đảng quảng diễn lý thuyết nền tảng nầy trong nhiều lĩnh vực và mức độ.

Trương tử Anh – Image : Wikipedia

Học giả Trần việt Sơn khai triển Dân Tộc Sinh Tồn trên bình diện triết học, hình thành tác phẩm Đạo Sống làm lý tưởng cho những thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn ngọc Huy với những công trình biên soạn về chính trị như là: “Dân Tộc hay Giai Cấp“, “Thử đặt nền tảng của Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa học“, và đáng kể nhất là tác phẩm “Dân Tộc Sinh Tồn, Chủ nghĩa Quôc gia Khoa học” với hơn 800 trang sách. Trong thập niên vừa qua, giáo sư Nguyễn long Vân cũng phát hành tác phẩm Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn diễn giảng, một công trình tâm huyết khai triển từng câu, từng ý của văn kiện Lược giải Đại ý Dân Tộc Sinh Tồn Chủ nghĩa như Thánh Kinh của Công Giáo.

Giữa thập niên 1960, lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn được công khai đàm luận vả phổ biến, giáo sư y khoa Ngô gia Hy đã nhắc đến Luật Hổ Tương Sinh Tồn, một yếu tố song hành với Luật Cạnh Tranh Sinh Tồn thường được tích luỹ trong các thư tịch cổ điển, nhằm lý giải mọi vấn đề một cách khoa học và thực dụng.

Ngoài ra, môt số đông đảng viên Đại Việt và cảm tình viên thuộc thế hệ nối tiếp cũng đóng góp những kiến thức cập nhật về Dân Tộc và Sinh Tồn phù hợp với những khám phá mới..

Hiện nay, các hệ phái Đại Việt đều tôn vinh Dân Tộc Sinh Tồn làm lý thuyết chủ đạo cho những họat động của Đảng. Mỗi từ ngữ Đại Việt, Dân Tộc, Sinh Tồn là một trụ cột tạo nên môt mạng lưới tư duy xuất phát những kế họach, phương hướng xây dựng một nước Việt Nam văn minh, cường thịnh hoà mình trong nhịp sống của nhân loại.

Đại Việt

Sau khi thu phục các sứ quân, chấm dứt quốc nạn xâu xé đất nước tranh chiếm quyền lực, vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm 968 đặt tên nước Đại Cồ Việt. Quốc hiệu được vua Lý Thánh Tông cải biên thành Đại Việt năm 1054 và tiếp tục tồn tại theo dòng lịch sử hưng thịnh cuà Dân Tộc. Một hệ quả tất nhiên, nếu vua Gia Long không đổi quốc hiệu là Việt Nam, ngày nay mọi người sẽ gọi chúng ta là người Đại Việt, dân tộc Đại Việt, quốc gia Đại Việt.

Image: quangduc

Đại có nghĩa là to lớn về phẩm và lượng thường gắn liền với ước mơ và niềm tự hào của các dân tộc; vì vậy khi nhìn qua lịch sử thế giới ta thấy những danh hiệu Đại Hán, Đại Đường, Đại Nhật Bổn, Đại Hàn, Đại Pháp, Đại Nga …

Đại cũng còn có nghĩa là thay mặt, đại diện. Tư cách đại diện phải luôn luôn xứng đáng về khả năng, lương tâm, trách nhiệm.

Đại Việt cũng gợi ra sự liên tưởng đến Bách Việt, tên gọi chung của trăm anh chị em giòng tộc Việt đã chung sống từ lưu vực sông Dương Tử lan rộng đến Đông Nam Á từ nhiều ngàn năm Trước Công Nguyên đã tạo ra một nền văn minh, văn hoá khác biệt với Trung Hoa.

Dân Tộc

Dân Tộc là một khối nhân loại có những tương đồng về huyết thống, ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử… Dân Tộc là một tổ chức xã hội có đủ khả năng bảo đảm con người những quyền căn bản để thực hiện một đời sống ấm no, danh dự và hạnh phúc. Và sau hết, Dân Tộc là một thực thể thiêng liêng qui chiếu những giá trị tinh thần để mỗi cá nhân tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.

Những công trình nghiên cứu giá trị về nhân chủng, khảo cổ, lịch sử, văn hoá dân gian từ Hoa Nam đến Đông Nam Á đều tìm thấy trong khu vực có chung một nguồn gốc chủng tộc và văn hoá mà các cổ thư gọi là Bách Việt. Đây là nền tảng khoa học cũng là luân lý để dân tộc Việt Nam – bộ tộc Lạc Việt – và các dân tộc anh em trong khu vực liên lạc, kết hợp với nhau, tạo thành một thế lực có đủ sức mạnh tồn tại trước những uy hiếp to lớn trong thời đại toàn cầu hoá.

Sinh Tồn

Văn kiện Lược giải Đại ý Dân Tộc Sinh Tồn Chủ nghĩa do Đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng Trương Tử Anh công bố cuối năm 1938, nhấn mạnh đến những ý niệm Sinh Tồn ngay tại phần dẫn nhập:

‘… Một chủng tộc kể từ thời tiền sử cho đến nay, nào là phá rừng xẻ núi, cày cấy chăn nuôi, nào hợp thành bộ lạc hay hợp nên quốc gia cũng qui vào mục đích là: tranh đấu lấy sự sống còn chung cho họ và con cháu họ …’

‘…Xem thế thì đủ biết rằng vấn đề sinh tồn là trung tâm điểm cho vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế và mọi biến cải trong lịch sử …’

Các chủng loại động vật nào còn hiện hữu trên điạ cầu cho đến ngày hôm nay đều nhờ vào bản năng sinh tồn vượt trội. Đối với con người sự tranh sống và nối tiếp sự sống nhiều lần khó khăn và phức tạp hơn làm nảy sinh ý chí sinh tồn.

Sinh Tồn bao gồm từ những công việc thực dụng hàng ngày đến các lý thuyết uyên bác, là phạm trù lớn của khoa học và triết học. Đa số kinh tế gia và các triết gia xưa hoặc nay đều ưu tư đến những nan đề về tình trạng chênh lệch giữa giàu và nghèo, giữa cung và cầu, những tham vọng quá đáng, những bất công trong xã hội… như là những nguyên nhân hủy diệt Sự Sống.

Hiện nay, dân số trên điạ cầu gia tăng nhanh chóng – từ 5,2 tỉ người năm 1990 lên hơn 6,8 tỉ năm 2010 và dự tính sẽ đến mức 9 tỉ người năm 2045 – khoa học kỹ thuật phát triển rầm rộ, khối lượng hàng hoá và tiền tệ gia tăng gấp trăm lần hơn. Thế giới đang đi vào khúc quanh lịch sử, tưởng như mang lại tiện nghi và an vui cho đời sống, nhưng thật ra đang che giấu một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thế lực kinh tế, chính trị vượt khỏi những qui luật thông thường. Người ta đang nhìn thấy viễn cảnh nước lớn mưu toan chinh phục nước bé, dân tộc khôn ngoan tìm cách thanh toán dân tộc yếu hèn một cách ngoạn mục bằng nhiều cách thức, cương hay nhu, bạo lực hoặc mưu trí, chớp nhoáng hay tầm thực.

Vì thế, một số học giả đương thời nhắc đến Đạo Lý Tiến Hoá (Evolutionary Ethics) và Mệnh Lệnh Sinh Tồn (Survival Imperatives) đề lưu ý con người bảo tồn Sự Sống trên điạ cầu.

Vậy:

Sinh Tồn là mệnh lệnh chung của nhân loại.

Dân Tộc Sinh Tồn là đạo lý cũng là mệnh lệnh của người Việt Nam.

Đạo lý Dân Tộc Sinh Tồn phát khởi từ lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của Đảng Trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng Trương Tử Anh nhằm mục đích đánh đuồi thực dân Pháp dành độc lập dân tộc, ngăn chận chủ nghĩa cộng sản, bảo tồn giống nòi và lãnh thổ. Đạo lý Dân Tộc Sinh Tồn là nền tảng để tất cả mọi người Việt Nam cố kết nhau lại thực hiện các mục tiêu:

-Giải thể đảng cộng sản và chế độ toàn trị hiện hành.

-Xây dựng một nước Việt Nam tự do, dân chủ và cường thịnh, tồn tại mãi mãi theo trào lưu tiến hoá của nhân loại.

Đỗ hữu Long
Trích “Tấm Lòng Với Dân Tộc

Leave a comment