Kỷ Nguyên của Những Mối Đe Dọa Cực Kỳ Lớn

Nouriel Roubini, “The Age of Megathreats“, PS
Chuyển ngữ: Lương Định Văn

Trong bốn thập niên sau Thế chiến thứ hai, biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo thay cho nhân công là những điều không được bất kỳ ai quan tâm đến và các thuật ngữ như “giải thể toàn cầu hóa” và “chiến tranh mậu dịch” đều không có ai tin. Nhưng bây giờ chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới gần giống với những thập niên hỗn loạn và đen tối từ năm 1914 đến 1945.

NEW YORK – Một loạt các mối đe dọa cực kỳ to lớn đang gây nguy cơ cho tương lai của chúng ta – không chỉ công việc làm, lợi tức, sự giàu có và kinh tế toàn cầu, mà còn cả nền hòa bình, sự thịnh vượng và tiến bộ tương đối đã đạt được trong 75 năm qua.

Trong bốn thập niên sau Thế chiến thứ hai, không một ai quan tâm đến sự biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo nhằm thay thế cho công nhân và các thuật ngữ như ‘ giải thể toàn cầu hóa’ và ‘chiến tranh mậu dịch là điều không ai tin. Thậm chí đại dịch toàn cầu đã không được nghĩ đến – đại dịch lớn trước đây là vào năm 1918.

Sau những năm 1970 sự hạ nhiệt giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và sự cởi mở của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng, sự giảm bớt về mức rủi ro của một cuộc chiến tranh quy ước hoặc chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc đã dần dần biến mất.

Mực tăng trưởng vững chắc, các chu kỳ kinh tế đã được kiềm chế, và các cuộc suy thoái đã xảy ra ngắn hạn và sơ sài, ngoại trừ trong thời kỳ lạm phát đình trệ của những năm 1970, và ngay cả vào lúc đó, không có sự khủng hoảng về số nợ trong các nền kinh tế tiên bộ vì tỷ lệ nợ công và tư nhân thấp.

Không có khoản nợ nào trong hệ thống Quỹ hưu bỗng và chăm sóc y tế, do số người lao động trẻ ngày càng tăng lên trong khi số người về hưu ở mức vừa phải. Các luật lệ quy định thích nghi và sự kiểm soát lượng vốn tư bản đã kiềm chế được chu kỳ biến động của kinh tế và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Các nền kinh tế lớn là các nền dân chủ tự do vững mạnh, không có phân cực của các đảng phái cực đoan. Chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa chuyên chế chỉ giới hạn trong một nhóm gồm các nước nghèo kém văn hóa.

Tiến nhanh đến cuối năm 2022 và bạn sẽ lập tức nhận thấy rằng chúng ta đang bị bao trùm bởi các mối đe dọa cực lớn mà trước đây chưa có bất kỳ ai nhận thức được. Thế giới đi vào tâm trạng lo âu bởi vấn đề địa chính trị, với ít nhất bốn cường quốc nguy hiểm theo chủ nghĩa xét lại – Trung Cộng, Nga, Iran và Triều Tiên – đang thách thức trật tự kinh tế, tài chính, an ninh và địa chính trị mà Hoa Kỳ và các đồng minh đã tạo ra sau Thế chiến thứ II.

Mức rủi ro gia tăng rất cao về nguy cơ chiến tranh không những giữa các cường quốc mà còn cả sự xung đột về hạt nhân. Trong năm tới, cuộc chiến của Nga xâm lăng Ukraine có thể leo thang trở thành một cuộc xung đột bất quy ước liên quan trực tiếp tới khối NATO. Và Israel – và có lẽ cả Mỹ – có thể phát động các cuộc tấn công nhằm vào Iran, quốc gia đang trên con đường chế tạo bom hạt nhân.

Với việc Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình củng cố vững mạnh sự cai trị độc đoán của ông ta và với việc Hoa Kỳ thắt chặt các hạn chế thương mại đối với Trung Cộng, cuộc chiến tranh lạnh mới Trung-Mỹ ngày càng trở nên lạnh hơn. Tệ hại hơn nữa, tình thế sẽ có thể tăng nhiệt một cách dễ dàng do tình trạng của Đài Loan, mà họ Tập đã cam kết thống nhất với đại lục, và Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như cũng cam kết sẽ bảo vệ. Trong khi đó, một Triều Tiên với vũ khí hạt nhân, lại một lần nữa, tìm kiếm sự chú ý bằng cách bắn hỏa tiễn vòng qua Nhật Bản và Đại Hàn.

Ngay cả khi giảm thiểu mối đe dọa của cuộc xung đột hạt nhân, nguy cơ ngày tận thế vì môi trường trong tương lai ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là khi hầu hết các cuộc thảo luận về sự quân bình của khí thải (net-zero) và môi trường, xã hội và quản trị (Enviroment, Social and Governance – ESG) hoặc các vụ đầu tư về ESG chỉ là sự giả mạo nhằm đạt tiêu chuẩn xanh (greenwashing or greenwishing). Tình trạng “Lạm phát xanh” (greeninflation) đang rất phổ biến bởi vì, hóa ra, việc thu mua các kim loại cần thiết trong trình tự chuyển đổi năng lượng đòi hỏi rất nhiều năng lượng đắt đỏ.

Cũng còn có những rủi ro ngày càng tăng về những loại đại dịch mới, thậm chí còn tệ hại hơn các cơn đại dịch lớn nhất, do mối liên hệ giữa sự tàn phá của môi trường và các bệnh truyền nhiễm từ động vật. Các động vật hoang dã mang mầm bệnh nguy hiểm đang tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn với con người và gia súc.

Đó là lý do tại sao từ những năm đầu của 1980, chúng ta đã thường xuyên phải trải qua các cơn đại dịch và bệnh dịch độc hại hơn – HIV, SARS, MERS, cúm lợn, cúm gia cầm, Zika, Ebola, COVID-19 -. Tất cả các bằng chứng cho thấy vấn đề này sẽ trở nên tệ hại hơn trong tương lai.

Tình hình kinh tế cũng không khá hơn. Lần đầu tiên kể từ những năm 1970, chúng ta đang đối diện với nạn lạm phát cao và viễn ảnh suy thoái – đình trệ. Và khi xảy ra, tình trạng suy thoái sẽ không ngắn hạn và sơ sài mà sẽ kéo dài và trầm trọng, bởi vì chúng ta cũng có thể đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng nợ lớn nhất chưa từng có, do tỷ lệ của số nợ công và tư (so với GDP) tăng vọt trong vài thập niên vừa qua.

Tỷ lệ nợ thấp đã giúp chúng ta tránh khỏi hậu quả đó vào những năm 1970. Và mặc dù lúc đó chúng ta đã có một cuộc khủng hoảng nợ xảy ra sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 – do hậu quả của số nợ quá cao của các hộ gia đình, ngân hàng và chính phủ – chúng ta cũng còn có cả tình trạng giảm phát nữa. Đó là do sự tăng vọt đột ngột về số cầu và sự hạn chế mức tín dụng, và đã được giải quyết bằng chính sách nới lỏng rộng rãi về khối lượng tiền tệ, tài chính và tín dụng.

Hiện nay, chúng ta đang trải qua những điều tệ hại nhất của cả những năm 1970 và 2008. Tình trạng suy giảm liên tục về chuỗi cung ứng hàng hóa đã xảy ra cùng một lúc với tỷ lệ nợ thậm chí còn cao hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi áp lực của mức lạm phát buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt lại chính sách tiền tệ, mặc dù phải đối điện với sự đe dọa của tình trạng suy thoái, chi phí trang trải nợ sẽ tăng vọt. Và với tình trạng lão hóa cũng có nghĩa là các khoản nợ khổng lồ của lĩnh vực công không được tài trợ ( massive unfunded public-sector liabilities) – của quỹ hưu bỗng và trợ cấp chăm sóc sức khỏe – cũng lớn tương đương như khoản nợ công đã được công bố. Mọi người nên chuẩn bị cho những điều có thể sẽ xảy ra và nên được nhớ đến như là ” một cuộc khủng hoảng nợ vĩ đai đưa đến tình trạng đình trệ cho nền kinh tế “.

Rồi lại một lần nữa, trong khi các ngân hàng trung ương tỏ vẻ đang nỗ lực chống đỡ, chúng ta nên hoài nghi về khả năng sẵn sàng chống lạm phát của họ với bất cứ giá nào. Một khi họ đã rơi vào bẫy nợ, họ sẽ buộc phải cân nhắc lại.

Với tỷ lệ nợ cao như vậy, việc chống lại nạn lạm phát sẽ đưa đến sự sụp đổ của nền kinh tế và tài chính, là điều sẽ không thể chấp nhận được về mặt chính trị. Các ngân hàng trung ương lớn sẽ cảm thấy như thể họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thoái lui, và nạn lạm phát, sự giảm sút về giá tri của tiền tệ, các chu kỳ biến động về kinh tế, và sự khủng hoảng tài chính sẽ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn, dẫn đến tình trạng hỗn loạn về tiền tệ và tài chính.

Trong khi đó, các cuộc xung đột địa chính trị và mối lo ngại về nền an ninh quốc gia sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc chiến trong lĩnh vực mậu dịch, tài chính và kỹ thuật, gia tăng tốc độ trong tiến trình giải thể toàn cầu hóa. Việc quay trở lại của chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch và sự tách ly trong quan hệ giao thương Trung-Mỹ sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng hàng hóa, và các thị trường trở thành những mảng nhỏ, khiến nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt đỏ. Chủ trương ‘chỉ giao thương với bạn hữu’ và ‘ mậu dịch công bình và an toàn’ đã lần lượt thay thế cho chủ trương ‘giao dịch với hải ngoại’ và ‘mậu dịch tự do’.

Theo thời gian, những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo, người máy và tự động hóa sẽ hủy bỏ ngày càng nhiều công việc làm, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách xây dựng những rào cản cao hơn do chủ trương bảo vệ mậu dịch trong nỗ lực chiến đấu cho trận chiến cuối cùng. Bằng cách hạn chế người nhập cư và đòi hỏi mức sản xuất trong nước nhiều hơn, các nền kinh tế tiến bộ đang bị lão hóa sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ cho các công ty áp dụng các kỹ thuật để tiết kiệm lao động, kỹ thuật ngày càng có thể, không những thi hành các công việc thường xuyên lập đi lập lại, mà còn cả các công việc học hỏi và sáng tạo. Ngay cả con người rốt cục cũng có thể trở nên vô dụng.

Những cuộc đại khủng hoảng này sẽ góp phần tăng thêm sự bất bình đẳng về lợi tức và sự giàu có, vốn đã gây áp lực nặng nề lên các nền dân chủ tự do – khi những người đã bị tụt lại ở phía sau nổi dậy chống lại giới tinh hoa – và thúc đẩy sự trỗi dậy của các chế độ dân túy cực đoan và hiếu chiến trên khắp thế giới.

Một phần lý do khiến chúng ta đi đến điểm nguy hiểm này là do từ lâu nay chúng ta vẫn cứ chui đầu dưới đống cát. Bây giờ, chúng ta cần phải đền bù lại thời gian đã mất.

Nếu không có hành động quyết đoán của chính phủ và khu vực tư nhân, ở cả trong nước và trên toàn cầu, thời kỳ sắp tới sẽ ít giống như bốn thập niên sau Thế chiến thứ hai, mà gần giống như ba thập niên từ năm 1914 cho đến năm 1945.

Những sự kiện đưa đến thế Chiến thứ nhất và đại dịch cúm đã phải nhường chỗ cho sự suy sụp của thị trường chứng khoán vào năm 1929 và cuộc Đại suy thoái (Great Depression), cho các cuộc chiến tranh lớn về mậu dịch và tiền tệ, cho nạn lạm phát, siêu lạm phát và giảm phát, và cho các cuộc khủng hoảng tài chính và nợ nần, đã đưa đến những sự suy sụp và vỡ nợ khổng lồ. Cuối cùng, các chế độ quân phiệt độc tài đã xuất hiện ở Ý, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha và các nơi khác, tất cả đã đưa đến điểm cao nhất là Thế chiến thứ hai và vụ Đại thảm sát ( Holocaust) .

Nếu chúng ta không sẵn sàng cho một trình tự của các thảm họa tương tự như trên, có lẽ là bởi vì tiến trình này đã bắt đầu.

Nouriel Roubini, Giáo sư danh dự về Kinh tế học tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, kinh tế gia chủ đạo của Atlas Capital Team và là tác giả của cuốn sách “MegaThreats: Ten Dangerous Trends That Imperil Our Future, and How to Survive Them“.

Leave a comment