Để Lòng

Người thanh niên ích kỷ ấy không còn ngờ gì nữa. Chàng đã đành lòng phạm cái tội lỗi đó rồi. Chàng thấy mình càng ngày càng đi xa tình ruột thịt, xa quá, để mà nhắm mắt ngã vào cái hố của tình yêu. Chàng muốn gào lên, muốn thét lên: “Thượng đế cứu lấy tôi! Chúa rửa tội lỗi cho tôi!”. Tiếng gọi cứu cấp bách chưa có hiệu lực gì thì chàng vẫn cứ rảo chân đi mãi về miệng hố.

Trên bàn giấy lúc đó, một con kiến đang bò lên lọ mực. Nó đã đứng trên miệng lọ, sắp đưa đầu xuống. Cái lọ mực sâu thăm thẳm, chao ôi! Nó mà nhào vô đó thì biết bao giờ ngoi được mình lên. Chàng vội vơ cây bút gạt con kiến ấy rớt xuống mặt bàn; chàng thở một cái thật dài, tựa hồ vừa cứu được ai, hay tự cứu được mình ra khỏi một tại nạn gì nguy hiểm.

oOo

-Em bịt mắt anh và đố anh đoán xem em mặc áo màu gì đấy. Nói đi, không cần nghĩ mới tài!

-Áo màu rêu.

-Ai bảo! Màu hoàng yến. Thế đố anh, em đi đâu về nào?

-Đến nhà chị Thông thu họ cho me chứ gì.

-Ai bảo! Em đến nhà con Yến học đàn. Nhưng em lại tức mình về ngay, vì cái thằng anh con Yến ấy, nó cứ lấm lét nhìn em.

Mỹ, người thanh niên vừa chơi trò “hú tim” cùng cô em gái, lúc này, thốt nhiên ngồi thẳng mình lên, gỡ ra khỏi mắt hai bàn tay trắng nõn có những chiếc móng nhuộm màu hoa lựu, rồi chàng cười nhạt, đấm mạnh xuống tấm kính đặt trên bàn.

-Anh làm trò gì thế? Có lẽ em đến phải bảo me tống anh vào nhà thương điên cho em khỏi sợ. Anh chỉ được cái dọa trẻ con thôi.

-Mai!

Nhưng Mai đã như con chim khuyên, nhảy tót ra khỏi cửa phòng.

Mỹ đưa hai tay lên ôm lấy cái đầu tóc rối. Chàng nhìn trừng trừng vào tấm ảnh có hình chàng với em gái: Mai nghiêng dù che nắng, ngồi trên một cành si, tay ôm bó nhãn. Ảnh đó chụp trong một cuộc đi chơi ở vùng ngoại ô, khá xa Hà Nội. Cuộc đi chơi phiếm ấy thường như các cuộc đi chơi phiếm khác, song còn có một kỷ niệm mà cả hai anh em chàng bây giờ mỗi lần nhắc đến lại cười rộ lên. Bữa ấy, bà cụ già bán nước mời anh em chàng bằng câu: “Cậu mợ vào xơi nhãn, nhãn Hưng Yên ngọt lắm”.

-Anh Mỹ ơi, chè sen em nấu ngon ngon là. Ông tướng lười như quỷ, me phải bảo em bưng vào hầu đấy.

Cô đặt chén chè xuống mặt bàn. Mỹ vẫn ôm lấy đầu, không nhúc nhích. Cô nhấc cằm anh lên và cười:

-Cứ làm trò mãi. Giá bây giờ người ta cho tiền đi xem ciné thì đã nỏ như khướu. Ăn đi nào!

Mai cầm thìa múc chè đổ vào mồm anh trai. Cử chỉ vui vui, niềm nở của cô em gái khiến người anh không thể nghiêm nghị ôm cái hờn giận trong lòng được nữa, chàng phải bật cười.

-A! Cười rồi đấy nhé. Thế bây giờ đọc dictée 1 cho em bé viết đi thôi.

Cô mở sách ra, và dúng ngòi bút vào mực, đợi…

Mỹ vừa ăn vừa đọc một câu dài và khó quá, cô ngẩn ra không viết được chữ nào. Tức mình, cô dằn bàn thấm xuống bàn. Mỹ làm như không biết, đọc tiếp luôn câu khác dài hơn, mà lại đọc bằng một giọng khó nghe. Cô giận quá, gấp sách lại vất vào ngăn kéo, rồi đứng lên phụng phịu:

-Em xuống mách mẹ cho mà xem. Em mà thi trượt thì bắt đền anh đấy.

Mai vùng vằng ra cửa, chạy sầm sầm xuống cầu thang. Mỹ chạy theo lôi tay em trở lại.

Chàng mở sách của em để lên bàn, đưa bút vào tay em và bảo:

-Bây giờ anh sẽ đọc bài khác dễ hơn, có thế mà cũng khóc, không biết xấu!

Bàn tay chàng để lên tóc em gái, khẽ vuốt. Mai đang chăm chỉ viết, bảo anh:

-Cặp lại tóc giúp em đi! Tóc em dài lắm rồi anh nhỉ. Ước gì tóc em đừng dài nữa, để em làm con bé con mãi mãi. Như thế thích hơn. Đến ngày vấn tóc me lại bắt lấy chồng như chị Cả thì nguy. Em không được làm nũng cùng anh nữa, em không được anh kèm học nữa…

Nghe em gái nói như con sơn ca, Mỹ thấy lạnh cả lòng, chàng buông sách xuống, lơ đãng nhìn ra cửa sổ.

Mai đặt tay mình lên bàn tay anh trai:

-Anh buồn gì thế?

-Có buồn gì đâu?

-Anh nói dối!

-À, anh đang nghĩ một ngày kia em sẽ lấy chồng… Ngày ấy, em sẽ vui lắm mà anh cũng thế… Anh sẽ uống rượu rõ say, như hôm tiệc cưới chị Cả… Rồi đêm ấy, trong khi em ở nhà chồng, anh sẽ vào tiệm nhảy, uống rượu thật nhiều, cười đùa cho mỏi mệt, rồi đi lang thang suốt sáng ngoài đường.

Mai lay mạnh cánh tay anh trai:

-Anh này đến điên thật mất thôi! Anh rủ rỉ cả ngày như con gái, còn biết gì là chơi bời. Đọc đi, nói nhảm mãi mất thì giờ.

oOo

Ở thư viện về, không thấy em, Mỹ buồn bã hỏi vú già:

-Cô Mai lại đi chơi rồi phải không?

Chàng chán nản bước lên thang gác, không hát như mọi khi, hễ chàng đi đâu về Mai đã léo xéo gọi chàng lên buồng học. Chàng biết em mình lại đến nhà Yến, cô bạn gái thân nhất, để học đàn. Như thế có gì lạ, nhưng nghĩ đến câu cô em nói với chàng hôm qua: “… cái thằng anh con Yến nó cứ lấm lét nhìn em” thì chàng lại tức tối, không chịu được.

Chàng gieo mình xuống nệm giường, thấy khổ tâm và lo lắng. Càng nghĩ, chàng càng nhận thấy mình đã quá đùa, bằng một cách táo bạo với tình yêu. Mà tình yêu – theo nghĩa chính của nó – thì đối với chàng ở trường hợp này là tội lỗi. “Không thể như thế được!” Mỹ úp mặt xuống gối mà nói vậy.

Chàng xấu hổ vì ý nghĩ và hành động bất chính của mình. Đã nhiều khi chàng lo rằng chàng sẽ thành thật yêu người ấy, yêu như người ta vẫn yêu nhau, thì thật là tai hại. Còn luân lí chặn ở trước mặt. Có lẽ nào nhảy qua nó để làm một thằng liều không cần hối. “Chỉ vì em mình quá đẹp!”. Thật vậy, chỉ vì Mai đẹp, cho nên người anh ấy mới khổ sở thế này.

Mai với Mỹ là con cùng cha khác mẹ, nhưng mẹ Mai thương yêu Mỹ lắm, vì vậy chàng vẫn gọi bà bằng me. Mai rất hợp tính Mỹ, vì Mỹ hiền lành, biết chiều chuộng Mai từng tí. Đi chơi đâu Mai cũng rủ Mỹ đi cùng; đi xem chớp bóng, Mai cũng cần có người anh ấy ngồi bên cạnh để hỏi tên tài tử. Sự thân mật, gần gụi đó lâu dần khiến Mỹ đâm ra hoang mang rằng chàng không còn là người anh trang nghiêm nữa. Chẳng đã có lần, bà lão già bán nước mời anh em Mỹ: “Cậu mợ vào hàng xơi nhãn Hưng Yên?”. Và một lần sau nữa, anh xe ở ngoại ô cũng lém lỉnh mời: “Cậu mợ lên xe!”.

Mỹ đã thẹn đỏ mặt, hôm ấy khi đi chơi về nhìn thấy bà Hàn. Nhưng Mai thì ngây thơ và vô tình cho đó là những chuyện vui vẻ, chả thế mà vừa về tới cửa cô đã láu táu kể lại cho bà Hàn nghe, rồi Mai và bà Hàn cùng cười vui vẻ.

Đôi lần cô em ốm, Mỹ hết sức chăm nom thang thuốc. Có khi chàng ngồi bên giường, bóp dầu cho em và nói chuyện chớp bóng em nghe, vì Mai chỉ thích chớp bóng và đàn.

Ngày nghỉ các cô bạn cùng trường Mai đến rủ cô đi chơi thì Mỹ chẳng vui lòng, hình như suốt ngày hôm ấy, vắng bóng em chàng thiếu thốn một cái gì… Chàng muốn ích kỷ để được con chim xinh đẹp ấy luôn luôn bên mình. Lúc nào chàng cũng sợ nó bay đi… sợ nó gặp phải một con chim khác nào có giọng hót hay, sắc lông đẹp sẽ rủ nó bay theo… Với các bạn gái của Mai, Mỹ còn ghen tị, tức tối vì bị họ tranh cướp mất người em gái xinh đẹp, huống chi ngày hôm qua thằng anh con Yến cứ lấm lét nhìn em thì chàng không lo sợ sao được.

Từ nãy, Mỹ vẫn úp mặt xuống gối không phải để khóc mà để lo một ngày sắp đến.

oOo

Ngày ấy đến nhanh chóng quá! Đó là lẽ tự nhiên, ai mà giữ được.

Từ ấy đến bây giờ mới cách nhau có bốn mùa. Song bốn mùa đó cũng đã đủ cho một cái cây nhiều nhựa, lại được hút nhiều màu đất tốt, chóng lên cao. Mai là cái cây nhiều nhựa ấy. Nàng mau lớn quá, đến nỗi đã nhiều lần ông bà Hàn bàn đến chuyện gả chồng cho cô- Mỹ thường nghe thấy những lời bàn ấy, và chàng đã buồn rầu như khi được tin tình nhân sắp bỏ mình đi lấy chồng.

Càng ngày, Mỹ càng nghiệm thấy Mai giữ gìn ý tứ đối với chàng hơn trước. Cô không lên gác nhờ chàng kèm học nữa. Những cuộc đi chơi ngoại thành, đi xem chớp bóng, đi chơi rong các phố đông, cô cũng không rủ Mỹ, vì bạn gái của cô bây giờ nhiều lắm, họ đã công nhiên cướp mất người em gái của chàng rồi.

Nhưng cái làm cho Mỹ buồn hơn hết là bây giờ Mai đẹp hơn năm ngoái, năm xưa nhiều. Cô đã biết đua các bạn, điểm trang lộng lẫy như các cô đào chớp bóng. Chàng hằn học nghĩ rằng cô càng trang điểm khéo bao nhiêu, thì ở đằng đầu phố càng nhiều thằng trai trẻ đứng chờ. Bởi thế chàng nổi ghen lên, và đã một lần, như đứa trẻ con, chàng xúi bà Hàn cấm cô đua đòi các bạn, cấm cô đi học đàn, đi rong phố. Nhưng bà Hàn không cấm nổi cô, vì hễ ai nói nặng thì cô khóc.

Một ngày chủ nhật, Mỹ tẩn mẩn mở ngăn kéo bàn học của Mai. Bỗng chàng nhìn thấy một cái hộp đựng mấy lá thư màu xanh, màu tím người ta gửi cho em chàng. Mồ hôi toát ra, chàng xé nát một bức thư, rồi cả ngày hôm ấy, chàng tránh em gái như người ta tránh mặt một người đàn bà phản bội, thề quyết không nhìn nhận nữa. Nhưng Mai không hề biết đến cơn giông tố ở lòng người anh cô vẫn kính yêu.

Một sáng, cô đẩy cửa phòng Mỹ rón rén bước vào… Mỹ không thèm ngoảnh cổ lại, vẫn cúi đầu vào sách. Cô bịt mắt Mỹ, chơi hú tim như độ năm nào còn thơ:

-Em đố anh biết em mặc áo gì nào? Nói đúng, em thưởng cái này.

Mỹ lặng im, bởi chàng còn đương ngạc nhiên vì nỗi tại sao bữa nay cô lại tinh nghịch với chàng như thế. Mai cười vang lên:

-Chịu à? Thế đố anh em đi đâu về đấy? Và trên tay có cái gì?

Mỹ khó chịu gỡ tay em ra, vẫn cúi nhìn vào sách. Không để ý đến nét mặt bất bình của người anh, cô cười to hơn, đoạn với chiếc lọ sứ trên bàn, cô cắm vào đó những bông hoa hồng bạch tươi mơn mởn. Cô vỗ vai anh:

-Em vừa đi thuyền trên hồ Tây cùng anh Lạc. Anh ấy đậu thuyền để đưa em lên vườn nhà anh ấy. Anh ấy hái cho em bó hoa này. Em tặng lại anh, vì em biết anh thích hoa hồng lắm.

Mai quay ra, chạy sầm sầm xuống cầu thang, nhí nhảnh như con chim trong nắng mới.

Mỹ đứng dậy ra giường gieo mình xuống, lại úp mặt vào gối. Nằm như thế một lúc, chàng vùng ngồi lên, lấy va li, bỏ sơ mi, bít tất vào, để lát nữa ra ga đáp tàu vô Huế.

Ngọc Giao

Đăng Tiểu thuyết thứ Bẩy, số 277/1938
In lại trong Phấn hương, tập truyện ngắn, NXB Tân Dân, 1939

Ngọc Giao (1911-1997), tên thật là Nguyễn Huy Giao, quê quán ở Bắc Ninh, sinh tại kinh đô Huế trong một gia đình trung lưu. Mẹ ông là con của một gia đình hoàng tộc Huế đã sa sút, kết duyên với cha của ông là xếp ga hỏa xa ở Huế, quê quán Bắc Ninh. Mẹ ông theo chồng con ra Bắc, rồi mất ở tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh), khi ấy Ngọc Giao mới bẩy tuổi đầu, ông theo gia đình ra Bắc, học ở Quảng Yên rồi Hà Nội. Sau khi đỗ bằng Thành chung (1928), ông ra làm báo và viết văn.

Từ năm 1934 cho đến năm 1945, ông là một trong số cây bút chuyên viết truyện ngắn cho báo Tiểu thuyết thứ Bảy, từng làm Thư ký tòa soạn cho báo này, một tờ báo có sức cạnh tranh ngang ngửa với tờ Phong hóa và Ngày nay của nhóm Tự lực văn đoàn. Ông là cây bút lớn với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết với nhiều tác phẩm được đông đảo thế hệ bạn đọc yêu mến. Ông còn cộng tác với nhà xuất bản Tân Dân trong việc in ấn các loại sách báo: Tiểu thuyết thứ Bảy, Những tác phẩm hay, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn, Truyền bá.

Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), ông cùng gia đình tản cư về quê và Nhã Nam (Yên Thế, Bắc Giang) một thời gian ngắn, rồi trở lại Hà Nội, lại tiếp tục viết văn, làm báo. Lúc này ông viết cho các tờ: Phổ thông, Thế kỷ, Sinh lực, Lẽ sống, Lên đường, Công tội, Tiểu thuyết thứ Bảy (loại mới)…

Sau 1954, hầu như ông ngừng viết . Ông sống ở 14 phố Đặng Dung. Hàng ngày ông đạp xe đi mua sách báo mới, rồi mang ra quầy sách cho vợ bán, ban đầu ở Gò Đống Đa, sau này ở bến xe Bến Nứa.

Năm 1989 Nhà xuất bản Văn học cho in lại 1 tập truyện ngắn Cô gái làng Sơn Hạ của ông. Năm 1993, ông được Hội Nhà văn Việt Nam “xác nhận tư cách hội viên từ năm 1957, tức là thuộc thế hệ sáng lập” . Về sau con trai của ông là Nguyễn Tuấn Khanh đã tuyển chọn và cho xuất bản hầu hết các trước tác của ông. Nhà văn Ngọc Giao mất ngày 8 tháng 7 năm 1997 tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.

Đã xuất bản
Tập truyện ngắn và bút ký
Một đêm vui (tập truyện ngắn đăng trên Phổ thông bán nguyệt san, Nhà xuất bản Tân Dân, 1937. Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản, 1952)
Phấn hương (tập truyện ngắn và ký, Nhà xuất bản Tân Dân, 1939)
Cô gái làng Sơn Hạ (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Tân Dân, 1942. Nhà xuất bản Văn học tái bản, 1989)
Chuyện người trẻ tuổi (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Phổ Thông, 1944)
Ánh điện giải phóng (tập truyện ngắn và bút ký. Cùng viết với Hồng Hà, Trần Duy, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1955)
Truyện thôn Kiều (tập truyện ngắn và bút ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1956)
Truyện ngắn và ký (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2001)
Hà Nội cũ nằm đây (tuyển tập gồm nhiều thể loại, do con trai ông là Nguyễn Tuấn Khanh thực hiện, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2010).
Tiểu thuyết
Cơn gió bấc (đăng nhiều kỳ trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Nhà xuất bản Tân Dân, 1938)
Đất (Nhà xuất bản Cây Thông, 1940)
Nhà quê (Nhà xuất bản Bách Việt, 1944. Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản, 1951)
Con người (Nhà xuất bản Ngày Mai, 1947)
Quán gió (Nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh, 1949. Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản, 1952)
Mưa thu (Nhà xuất bản Trần Văn Huy, 1953)
Cầu sương (hay Thiếp phụ chàng. Nhà xuất bản Tia Sáng, 1953).
Truyện thiếu nhi, hồi ký
Hiền (truyện thiếu nhi. Tủ sách Truyền Bá số 42, Nhà xuất bản Tân Dân, 1942)
Máu chảy một dòng (truyện thiếu nhi. Nhà xuất bản Đất Mới, Sài Gòn, 1974)
Đốt lò hương cũ (hồi ký về một số nhà văn Việt Nam [1930-1945]. Nhà xuất bản Khánh Hòa, 1992).

Ngoài ra, ông còn sáng tác khoảng hơn 300 truyện ngắn, 14 bút ký, 6 bài chân dung văn học đăng trên các báo. Một số truyện ngắn hay của ông cũng được in trong các Tổng tập và tuyển tập văn học.

Số lượng tác phẩm của Ngọc Giao đóng góp cho văn học Việt không nhỏ, song ông được chú ý nhiều hơn ở thể loại truyện ngắn. Theo nhà văn Vũ Ngọc Phan, thì hầu hết các tác phẩm đó đều là thứ “tình sầu, tình uất”. Và nhìn chung, trừ một số truyện ngắn hay, “số còn lại không hẳn đã tác động mạnh đến tâm trí của người đọc, nguyên nhân chủ yếu là do cốt truyện thường đơn sơ, lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết với một tỷ lệ thích đáng của tính triết lý hoặc chất thơ”

Leave a comment