Cái Bóp Da

Trưa nay , trời quang tạnh sau cơn mưa rào ban sáng, tôi ra khỏi nhà đi dạo một vòng cho thoải mái. Đi được 1 lúc , tôi bỗng trông thấy ở dưới đất có 1 vật xinh xắn bằng da màu nâu. Nhìn kỹ lại thì ra đó là 1 cái bóp nhỏ – kiểu bóp đựng bạc cắc thường được dùng nơi các bà đầm già – nằm trơ trụi trong bãi cỏ sát cạnh lề đường. Ngó trước ngó sau không thấy ai , tôi tò mò lượm cái bóp đó lên và mở ra xem.
Ồ ! có tới gần trăm bạc lận.

Image: Internet.

Sau khi ngạc nhiên thốt lên câu nói đó , tôi gấp những tờ giấy bạc lại như cũ rồi bỏ vào bóp , đồng thời nhận thấy còn có 1 tấm giấy trắng cũng được xếp gấp gọn gàng. Mở nó ra xem thì đây là 1 cái toa cho thuốc của bác sĩ.

Nhớ lại lúc trước, có lần vợ tôi cũng đánh rơi mất bóp giấy tờ ngoài đường nhưng may mắn được 1 người hảo tâm đem đến trả tận nhà , nên tự nhiên trong đầu tôi cũng nảy ra 1 ý nghĩ làm chuyện tương tự , làm 1 cử chỉ đẹp cho người sung sướng…. Nhưng làm sao để tìm ra “ khổ chủ “ của cái bóp này ?

Sẵn có số điện thoại của bác sĩ trong toa thuốc , sau ít phút đắn đo suy nghĩ tôi bấm smartphone gọi. Hơi lúng túng để trình bày câu chuyện nhưng sau cùng tôi cũng được người bác sĩ cho cái hẹn ngay sau đó.

– Ông có biết công viên « les trois fontaines « ( 3 bồn phun nước ) không ?
– Dạ biết chớ , tôi vẫn thường đi dạo xuyên ngang qua đó mà.
– Tốt lắm , phòng mạch của tôi cách đó 2 ngã tư đèn đỏ, đi theo hướng xa lộ, nằm về bên phải. Số nhà có ghi trong toa thuốc. Ông đến ngay nhé , tôi chỉ có ít phút cho ông thôi.
– Cám ơn bác sĩ , tôi đi ngay đây.

Đó là 1 bà bác sĩ đã lớn tuổi, có nét sang trọng và các động tác còn nhanh nhẹn lắm. Sau khi nghe tôi thuật lại câu chuyện lần nữa, bà ta trầm ngâm 1 chút rồi nói :

– Đúng vậy, sáng nay người này có ghé phòng mạch của tôi. Trên nguyên tắc, tôi không thể cho ông địa chỉ thân chủ của mình, tuy nhiên đây là 1 trường hợp khá đặc biệt nên chúng ta có thể du di: bà ta cần phải uống thuốc của tôi cho trong toa, nội trong chiều nay… và tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là nhờ ông giao trả đến nhà, để cho bà ấy còn kịp đi mua thuốc. Bà ta cũng không ở xa khu này bao nhiêu, tôi sẽ chỉ đường cho ông sau. Xin ông vui lòng giúp dùm cho bà lão mù lòa này.

– Bà lão mù ?
Tôi lập lại mấy chữ này và trong đầu chợt hiện ra hình ảnh của 1 bà lão mù dẫn chó đi dạo mà tôi đã gặp nhiều lần trong lúc đi bách bộ.
– Thưa bác sĩ, có phải bà lão mù với cây gậy trắng và con chó Labrador vàng, dẫn đường bằng sợi dây xích cổ ?.
– Đúng rồi… ông đã từng thấy bà ta sao ?
– Dạ, tôi đã trông thấy bà ta vài lần trong khi đi dạo ở quanh đây.

Bà bác sĩ gật gù, có vẻ yên tâm khi thấy tôi tả đúng chóc thân chủ của mình. Bấm liên tục trên bàn phím của máy vi tính, bà tìm ra địa chỉ của bà lão mù, ghi lại trên 1 mảnh giấy rồi trao cho tôi.
– Từ phòng mạch, ông trở ngược về công viên “ Les Trois Fontaines “.
Qua khỏi nơi này , ông rẽ ngay vào đường đầu tiên bên trái. Nhà bà ta ở đường thứ 2 hay thứ 3 gì đó bên tay phải.
– Cám ơn bác sĩ.
– Tôi sẽ gọi phôn báo tin ngay cho bà Anne để bà ấy khỏi bỡ ngỡ và lo ngại khi ông đến. Tiện đây, xin ông cho tôi biết tên để tôi loan báo trước cho bà ta.

Tôi nghe được trong điện thoại giọng tíu tít mừng rỡ của 1 người đàn bà.
– Bà Anne đang mong được gặp ông để còn kịp đi mua thuốc đó.
Bà bác sĩ nói trong khi gác máy và nhìn tôi với chút ngại ngùng :
– Tôi có thể ghi lại số điện thoại của ông chứ ? Biết đâu tôi sẽ phải cần đến ?

Rời khỏi phòng mạch, tôi nghĩ thầm trong bụng: “ Bà đốc tờ này cẩn thận và làm việc chu đáo thiệt “.

Chỉ 20 phút sau, tôi tìm đến được nhà bà lão mù : đó là 1 căn nhà trệt nhỏ bé khiêm tốn, với cái sân trước có ít bụi hoa tím mọc trên những phiến đá nhỏ màu trắng vân xám. Xuyên qua sân, đến tới cửa tôi bấm chuông điện và thấy bảng tên bên cạnh có ghi : Anne-Marie Dujardin .- Đúng là bà cụ này mình đã mấy lần chạm mặt trên đường đi.

Tôi thầm nghĩ như thế khi bà già dẫn chó ra mở cửa. Con cẩu tinh khôn này sủa thật ồn ĩ khi thấy người lạ , bà lão mắng nó thật to :
– Cooki, tais toi, coucher ( Cooki, im mồm lại, nằm xuống ).

Nó lập tức ngừng sủa, nhưng ư ử trong cổ họng như vẫn còn ấm ức vì chưa quát tháo được hả hê cho ra vẻ oai vệ của 1 chủ nhân ông. Sau đó nó ngoan ngoãn nằm phủ phục xuống ngay dưới chân bà cụ nhưng 2 mắt vẫn lom lom nhìn tôi với vẻ đe doạ, ý chừng như muốn nói “ liệu thần hồn đó nghe ông bạn “.

– Chào ông, có phải ông là Nuy – En ?
– Dạ, tôi là Nguyễn thưa bà . Tôi cười thầm vì lối phát âm sai lệch của người dân bản xứ ở đây.
Bà lão hắng giọng, có vẻ ngượng ngập :
– Xin lỗi ông nhé, tôi không biết làm sao để phát âm cho đúng cái tên của ông !
– Ô, không sao, không có gì quan trọng cả. Tôi đến đây để gởi trả lại cho bà cái bóp đó mà.
– Tuyệt vời …. tôi vừa mới được bà bác sĩ Audrey gọi báo tin rằng sẽ có người tên như thế… sẽ đem cái bóp lại nhà cho tôi. Rất cám ơn ông… Ông thật là tử tế.

Nhận lại cái bóp nhỏ của mình và sau khi kiểm điểm , bà lão lắp bắp câu gì đó nghe không rõ rồi đằng hắng nói tiếp :
– Tôi chắc là đã làm rơi nó sáng nay trên đường từ phòng mạch bà Audrey trở về nhà, lúc trời đổ mưa phải lấy dù ra che … Tôi có thể mời ông 1 tách cà phê chứ ?

Tôi thoái thác lời mời, viện cớ rằng bà cụ còn phải đi mua thuốc cho kịp uống chiều nay theo lời dặn của bác sĩ . Đôi mắt vô thần của bà cụ đột nhiên hấp háy :
– Tôi nghĩ là… tôi phải trả cho ông chút gì đó ?
Tôi trả lời 1 cách máy móc, 1 câu trả lời thật tình, từ đáy lòng mà ra :
– Dạ không thưa bà , xin bà đừng bận tâm, đây là chuyện đáng làm mà thôi. Tôi rất vui khi chuyện nhỏ này giúp ích được cho bà.

Lần mò nắm lấy tay tôi, bàn tay gầy guộc xanh xao của bà Anne xiết nhẹ , run run vì cảm động. Bà gật gật cái đầu, ậm ừ muốn nói thêm gì đó nhưng lúng túng chưa nghĩ ra lời.
– Vậy thôi … xin chào bà , tôi phải đi đây .
– Cám ơn ông thật nhiều… tôi sẽ không quên câu chuyện hôm nay. À… xin lỗi, chứ ông là người nước nào vậy ?
Dạ tôi là người Việt Nam – tôi hy vọng sẽ còn gặp lại bà trên đường đi dạo xuyên qua công viên “ les trois fontaines “, bà nhé ?
– Ồ hay quá … ông cũng thường đi dạo trên đường đó hả ? – Bà cụ lộ vẻ vui sướng với nụ cười thật tươi – Chắc chắn rồi, thế nào cũng sẽ gặp lại ông . Xin tạm biệt nhé.

Một ngày nọ, đang đi trên con đường quen thuộc, từ xa tôi trông thấy bà lão mù và con chó Cooki đang tiến ngược chiều về phía hắn . Lúc đến gần, tôi mở lời :
– Chào bà Anne.

Bà lão khựng lại giây lát, nhíu mày. Con chó thấy chủ dừng bước nên nó tự động ngồi xổm xuống. Tôi lập lại lời chào, lần này bà cụ mỉm cười :
Chào ông Nuy – En, ông vẫn mạnh khỏe chứ ?
– Cám ơn bà, tôi vẫn thường . Còn bà thế nào ? À sao mà bà còn nhớ được tên tôi hay vậy ?.
– Ông có lối phát âm đặc biệt… hơn nữa thính giác của những người như chúng tôi phát triển hơn người bình thường nên tôi nhận ngay ra ông… Còn sức khoẻ tôi thì dạo này sa sút lắm, hay bị mệt mỏi trong ngày dù không làm gì nặng nhọc cả !

Bà cụ bỗng nhiên đổi đề tài :
– Tôi có được bác sĩ Audrey kể cho nghe về đất nước của ông. Một xứ sở có nhiều danh lam thắng cảnh xinh đẹp, hùng vĩ và với những nụ cười luôn luôn nở trên môi của người dân.

Tôi thấy vui vui với những lời khen tặng ấy, nhưng đồng thời 1 niềm chua chát dâng lên trong lòng : “ Vậy mà mình phải đánh đổi cả sinh mạng, tài sản để vượt biên qua đây hít thở không khí tự do dân chủ ở xứ người ! “.

Tác giả: Truỷ Thủ.

2 thoughts on “Cái Bóp Da

  1. Cám on nhiều bài hay lắm. Bên Úc có các bạn thuộc mấy khóa trước không Tôi thuộc khoá 2 ds nên đâu còn mấy ai. Cô đơn lắm.

    • Thưa Anh Tôn. Ở Úc cũng có từ khoá 2 đến khoá 22 là khoá sau cùng, chưa tốt nghiệp. Khoá 2 có anh Bùi văn Anh và Nguyễn khoa Huân. Anh Huân đã mãn phần.

Leave a comment